![](https://hrcwelive.com/wp-content/uploads/2025/01/PV-kien-Cover-1.png)
Kiên: “Âm nhạc độc lập là bản sắc không thể thay thế.”
Kiên Trịnh là một nghệ sĩ độc lập đầy tài năng và sáng tạo, nổi bật trong cộng đồng âm nhạc indie Việt Nam. Với phong cách âm nhạc đa dạng, kết hợp giữa những giai điệu mộc mạc và cảm xúc chân thật, Kiên luôn mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc sâu sắc và đầy cảm hứng.
Anh không chỉ là một ca sĩ, nhạc sĩ mà còn là một người truyền cảm hứng cho thế hệ nghệ sĩ độc lập, luôn tìm kiếm sự chân thật trong âm nhạc và không ngừng khám phá những giới hạn sáng tạo mới.
Số cuối cùng trong series “Indie-credible Sound” kết hợp cùng Ash Asia, HRC đã có cơ hội trò chuyện cùng Kiên về hành trình âm nhạc đầy cảm hứng của anh, sự tìm kiếm bản sắc âm nhạc riêng biệt và những trải nghiệm đáng nhớ tại các sân khấu HRC. Mời các bạn cùng khám phá những câu chuyện thú vị và sâu sắc về Kiên nhé!
HRC: Chào Kiên. Mở đầu cho cuộc trò chuyện hôm nay thì HRC rất muốn được nghe chia sẻ của anh về hành trình bắt đầu đến với âm nhạc. Đâu là nguồn cảm hứng cho những sáng tác đầu tiên của anh?
Kiên: Từ nhỏ, tớ đã quen với việc vẽ tranh và thưởng thức nghệ thuật vì ông ngoại, chú, anh, và bác tớ đều làm nghệ thuật. Tớ bắt đầu vẽ từ khi biết cầm bút và có thời gian chỉ muốn diễn đạt suy nghĩ qua hình ảnh. Tuy nhiên, khi ông nội nghỉ hưu và bắt đầu viết thơ, tớ cũng bắt đầu làm quen với văn chương và thơ ca.
Tớ thử viết thơ từ năm lớp 4, và đến lớp 7, tớ viết những bài thơ có vần điệu. Một trong những bài thơ đầu tiên tớ viết về tiếng ồn nhà hàng xóm đã được ông nội giữ lại. Từ đó, tớ cảm nhận được sự thú vị khi tạo ra vần điệu và nhịp điệu trong thơ. Lên cấp 3, tớ viết nhiều bài thơ và vẽ tranh.
Cũng trong thời gian này, tớ kết bạn với những người yêu âm nhạc. Sau khi học xong cấp 3, chúng tớ bắt đầu chơi nhạc cùng nhau. Ban đầu, tớ chỉ hát lại những bài hát của người khác, nhưng sau đó tớ muốn hát những bài mình thích, nên tự học đàn để có thể chơi nhạc một mình. Tớ bắt đầu chơi nhạc Trịnh, Thanh Tùng, và Beatles.
Đến một lúc, tớ nhận ra mình muốn viết ra điều gì đó thật sự từ bên trong, cái gì đó hoàn toàn thuộc về mình. Vậy là tớ bắt đầu tìm cách viết. Ban đầu, động lực là tán gái. Tớ sẽ nghe một bài hát nào đó, rồi nghĩ ra những ca khúc để tán bạn ấy, để dễ dàng tạo ra một cảm xúc thăng hoa, giúp tớ viết ra được lời. Lúc đầu, nghe nó có vẻ buồn cười, nhưng dần dần, tớ thực sự muốn tiếp tục làm việc đó. Giống như vẽ hay làm thơ, tớ muốn thực hành nó và để nó trở thành một phần trong cuộc sống của mình.
HRC: Trong thơ có tính nhạc và trong nhạc có tính thơ. Trước đây anh đã từng phổ nhạc cho bài thơ nào của mình chưa ạ?
Kiên: Chắc chắn rồi, bài Tại Sao của tớ được phổ từ một bài thơ bốn chữ.
“Tại sao quả đất
Lại có màu xanh?
Tại sao quả chanh
Lại chua xin xít?”
Lúc bắt đầu sáng tác nhạc tớ thường cố gắng phổ nhạc như thế này để tớ dễ hình dung ra câu chuyện và viết lời dễ hơn. Tớ thường viết thơ trước rồi tớ phổ nhạc cho thơ.
Nhưng đúng là thơ và nhạc không phải lúc nào cũng cùng một dòng chảy, nên lúc này tớ nghĩ tớ cần chuyên sâu hơn vào âm nhạc. Tớ đã bắt đầu học đàn kĩ hơn, tớ bắt đầu tập chơi những bài nhạc mà có phần tương tự như những bài tớ muốn mình có khả năng viết ra được. Ban đầu tớ chẳng có nổi một câu chuyện nào để viết thành nhạc. Nhưng tớ cứ luyện tập hàng ngày với những bài hát của người khác, tớ đi qua những câu chuyện của họ và rồi sau đó tớ rơi vào trạng thái vô thức viết ra được những lời ca của mình.
HRC: Vậy hồi trước anh có dùng nhạc tán gái thành công không anh?
Kiên: Tất cả đều thất bại. (cười)
HRC: Có phải vì lý do này nên anh đã chuyển hướng sang viết về cuộc đời? Em thấy trong nhạc của anh có sự chiêm nghiệm và tự sự cá nhân rất nhiều.
Kiên: Thực ra trước đây tớ đã cố nhớ lại lý do vì sao tớ bắt đầu viết về những chủ đề ấy. Như tớ vừa nói, mình càng thực hành âm nhạc càng nhiều, mình nhìn vào các tác phẩm càng lâu thì mình càng được đưa vào trạng thái vô thức ấy nhiều hơn. Dần dần, mình hình thành được một bộ lọc cho lăng kính nhìn mọi thứ xung quanh của riêng mình. Rồi mình bắt đầu nhìn thấy và cảm nhận được những chuyển động của mọi vật, theo một cách tinh tế và ngô nghê nhất. Và những lời ca cứ tự nhiên đến với tớ theo cách như vậy thôi.
Hồi ấy xung quanh tớ cũng có nhiều câu chuyện về mất mát, có những người ra đi từ khi còn trẻ, có khá nhiều chuyện buồn của những người xung quanh đã xảy ra. Tớ cứ nhìn họ trầm mặc, và trạng thái ấy của tớ đã kéo dài đến một giai đoạn mà tớ muốn viết ra được điều gì đó. Bài hát đầu tiên mà tớ cảm nhận được loại cảm xúc ấy là bài Thế Kỷ 21 Buồn. Có một dòng cảm xúc đã đột nhiên ùa đến và thôi thúc tớ phải sáng tác, sau đó thì nó không biến mất mà còn chuyển hoá từ bài nhạc này qua bài nhạc khác.
HRC: Về mặt nghệ thuật nói chung thì anh đã có những thực hành từ khi còn rất nhỏ trong môi trường nghệ thuật xung quanh mình, cũng như là có những động lực xuất phát từ việc anh muốn bộc lộ cảm xúc và mong muốn của bản thân. Và có thể nói là có một phần từ gen di truyền của gia đình nữa đúng không ạ?
Kiên: Đúng là như vậy. Gen di truyền của gia đình đã ảnh hưởng đến tớ, theo một cách nào đấy, ở một mức độ nhất định nào đấy, tùy duyên thôi. Việc tự mô tả suy nghĩ và cảm xúc của mình qua những kênh khác với ngôn ngữ nói và viết, khác với văn xuôi thông thường, là một việc mà tớ đã thực hành từ khá sớm, một cách vô thức, một cách không có chủ đích. Giờ nó đã thành một thói quen sống rồi. Hồi bé tớ cũng không hiểu sao có những người có thể sống bình thường mà không vẽ hay viết lách bao giờ. Vì mọi người xung quanh tớ đều sáng tác mà, trừ bố mẹ tớ ra. Bố mẹ tớ và tớ có một khoảng cách nhất định là vì thế.
HRC: Anh còn nhớ sân khấu đầu tiên mà anh thật sự cảm thấy đó là một sân khấu chuyên nghiệp dành cho mình không?
Kiên: Đó là một sân khấu ở quán cà phê Tranquil trên số 5 Nguyễn Quang Bích, là buổi diễn “Không Qua Loa” số thứ hai trong chuỗi 7 đêm “Không Qua Loa” của tớ.
Cuối năm 2016, tớ tổ chức một chương trình ở Căng Tin 109. Tớ chơi tất cả các ca khúc mình sáng tác và cover thêm một số bài yêu thích, cùng các anh em tham gia biểu diễn. Tối hôm đó, có khoảng 70 khán giả đến và ngồi kín cả con ngách bên cạnh quán. Đây là lần đầu tiên tớ cảm nhận được sự tập trung của khán giả vào mình, họ coi tớ như một nghệ sĩ thực thụ. Buổi diễn không có loa, mic, hay ánh sáng, chỉ có tớ ngồi trên ghế hát, còn khán giả ngồi đối diện trong một không gian nhỏ.
Sau thành công của buổi diễn này, tớ quyết định mở series “Không Qua Loa”, với ý tưởng hát mà không có mic. Lúc đó, tớ sợ sân khấu và mic, đứng trước micro tớ cảm thấy khủng hoảng. Nhưng sau khi hoàn thành buổi diễn đầu tiên ở Hà Đông, tớ cảm nhận được sự thăng hoa trong âm nhạc, nên quyết định sử dụng âm thanh kỹ thuật cho các buổi diễn tiếp theo.
Tớ tổ chức số “Không Qua Loa” thứ hai ở quận Hoàn Kiếm và bán được 100 vé, đây là lần đầu tiên tớ biểu diễn với âm thanh. Sau đó, tớ đã biểu diễn ở nhiều sân khấu khác nhau.
Sau đó thì tớ đã có thể biểu diễn ở khá nhiều sân khấu khác nhau. Tuy nhiên, tớ phải thừa nhận, không phải quảng cáo nhé, rằng sân khấu sinh nhật của HRC vẫn là luôn vui nhất, “Hà Nội” nhất và năng lượng nó đem lại cho tớ cũng ở mức cao nhất. Năm nào tớ cũng muốn đứng ở trên sân khấu ấy một lần. Tớ từng nói rằng mỗi năm tớ sẽ hát ở sân khấu sinh nhật của HRC để không bỏ nghề, và đến giờ tớ vẫn thật lòng nghĩ như vậy. Vì mỗi lần đứng trên sân khấu ấy, tớ lại cảm thấy không muốn bỏ cuộc nữa.
![](https://hrcwelive.com/wp-content/uploads/2025/01/Kien_01-1024x1024.png)
HRC: Vì nếu đứng trên sân khấu HRC thì sẽ có rất nhiều người đứng ở bên dưới hát cùng với anh đúng không ạ?
Kiên: Đúng thế. Khán giả ở HRC quá lý tưởng với mình.
HRC: Tính ra mà nói thì HRC đã hoạt động 14 năm rồi và có một câu hỏi mà HRC thường hay hỏi các nghệ sĩ của mình, đó là anh có nhớ lần đầu tiên anh đến HRC không ạ?
Kiên: Đương nhiên là tớ nhớ, hôm đấy tớ đã chạy xe máy từ nhà đến HRC giữa 12 giờ trưa. Tớ đến HRC để hát cho một sự kiện mà giờ tớ không còn nhớ đó là sự kiện gì nữa. Lúc đấy tớ mới có ít bài, tớ còn non lắm, đánh nhạc còn không giữ được nhịp. Đến bây giờ tớ vẫn không giữ được nhịp nhưng mà ít ra còn có band, tớ cũng có kinh nghiệm hơn rồi. Nhưng hồi đấy tớ chẳng biết một cái gì cả, dù vậy thì tớ vẫn cứ nhận lời qua HRC hát thôi. Hôm đấy là một trưa mùa đông nắng đẹp, tớ đứng hát ở dưới sân.
HRC: Nếu mà là ở dưới sân thì chắc là lâu lắm rồi đúng không ạ?
Kiên: Từ năm 2017, HRC tổ chức một workshop ở sân, có cả mấy anh em nước ngoài chơi nhạc. Tớ đứng hát mấy bài “dở hơi” của mình. Đang hát thì hai cô gái mặc váy hoa bước tới, vui vẻ cầm tay nhau nhảy. Bài nhạc tớ chơi lúc đó có chút giống điệu valse, và họ tự nhiên khiêu vũ giữa sân. Đó là lần đầu tớ thấy con người sống động đến thế ngoài đời thực, không phải trên TV.
Hồi nhỏ, tớ lớn lên ở Hà Đông, ít đi xa, chỉ khi vào đại học tớ mới bắt đầu khám phá trung tâm Hà Nội. Lần đầu đến HRC, những trải nghiệm sống động ấy khiến tớ nhận ra rằng việc chơi nhạc sẽ mở ra nhiều điều mới mẻ hơn nữa.
HRC: Em nghĩ mỗi sân khấu đều có đặc tính riêng. Với nghệ sĩ thì sẽ có những sân khấu lớn, nhỏ khác nhau. Ở HRC, có những đêm sinh nhật đông tới 300 khách, nhưng cũng có những buổi chỉ khoảng ba, bốn chục khách. Dẫu vậy điều đặc biệt ở HRC là khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả rất gần. Khi đứng trên sân khấu HRC mình có thể thấy rõ gương mặt của những khán giả đang ủng hộ mình và mình có thể tương tác trực tiếp với họ.
Kiên: Đúng rồi, diễn xong đi xuống sân khấu là lẫn vào khán giả, ngồi cùng với nhau ở dưới sân luôn. Sân dưới của HRC đúng kiểu ngồi nghển ra cái là thấy nghệ sĩ xung quanh, nghển ra là thấy khán giả xung quanh. Nó là không gian mà ít có cảm giác về khoảng cách nhất ở Hà Nội mà tớ biết.
HRC: Em đã nghe những chương trình mà anh diễn solo và cả những show của anh ở HRC, đặc biệt là những show sinh nhật hay khi anh diễn cùng band. Cũng có những show như Indie trên Sofa, anh chỉ diễn một mình với cây guitar. Anh có cảm nhận sự khác biệt trong cảm xúc khi đứng một mình trên sân khấu so với khi đứng cùng đồng đội không?
Kiên: Tớ thấy có sự khác nhau rõ ràng đấy, vì tớ khá quen với việc thay đổi bản thân. Tớ có nhiều khía cạnh trong tính cách, có lúc là party boy, bật công tắc lên là có thể hòa mình vào ban nhạc, đốt cháy 200% năng lượng. Khi đứng cùng ban nhạc, tớ cảm thấy như mình là một cơ trưởng, lấy năng lượng từ khán giả và đẩy nó xuống dưới. Nhưng khi chơi nhạc trên sân khấu một mình, tớ có cảm giác như mình là một anh chàng hàng xóm đang đi trà đá, ôm đàn ngồi hát cho mọi người trong xóm nghe.
Ở HRC, dù là chơi solo hay cùng với ban nhạc, tớ luôn cảm thấy ít áp lực hơn so với những sân khấu khác. Chính vì vậy, tớ thoải mái hơn và dễ dàng bộc lộ mọi thứ, từ nhiệt huyết khi diễn với ban nhạc đến sự trầm lắng khi chơi một mình.
HRC: Tâm thế cũng sẽ khác anh nhỉ?
Kiên: Đúng vậy, văn hóa tôn trọng mà mọi người ở HRC dành cho nghệ sĩ khiến tớ cảm thấy được chấp nhận một cách tự nhiên. Không cần lời nói, chỉ cần đứng trên sân khấu là tớ đã cảm nhận được sự hiện diện của mình, được mọi người nhìn nhận và yêu mến. Điều đó giúp tớ không phải cố gắng quá nhiều, mà chỉ cần là chính mình.
HRC: Vừa nãy anh có chia sẻ với em là anh bắt đầu sáng tác nhạc từ khi học đại học với những anh em bạn bè có cùng sở thích chơi nhạc đúng không ạ?
Kiên: Yeah. Tớ bắt đầu viết các ca khúc từ khoảng 2014, 2015. Thực sự bắt đầu làm nhạc thì vào khoảng 2017.
HRC: Ngoài việc sáng tác, anh còn phải tự học nhạc, tự luyện đàn để củng cố năng lượng của mình. Em nghĩ đây là một khởi đầu đầy thử thách cho các nghệ sĩ độc lập, khi họ phải tự mình đảm nhận hầu hết mọi việc. “Indie” chỉ là cách làm nhạc, nhưng nó đòi hỏi mình tự viết, tự sản xuất, và tự tìm cách đưa sản phẩm đến khán giả. Ban đầu có thể rất cô đơn, thiếu sự hỗ trợ, nhưng đó cũng là một hành trình thú vị, mở ra nhiều giai đoạn phát triển sau này.
Kiên: Đúng vậy, mình tự đặt câu hỏi để kiểm chứng xem quá trình đó có thật hay chỉ là mình tưởng tượng. Mình vừa là sếp, vừa là thầy của chính mình, nên phải tự nhận thức và điều chỉnh. Trải nghiệm đó thực sự ngoạn mục, như thể mình tạo ra cả một thế giới riêng. Tớ nghĩ ai cũng vậy, khi nhận ra mình đang làm điều đó, cảm giác sẽ rất choáng ngợp. Vì thế, việc tự đặt câu hỏi là một bước rất cần thiết trong hành trình này.
Việc theo đuổi con đường làm nhạc này rất hợp với tớ, vì tớ không có nền tảng âm nhạc. Dù từng tham gia và thực hành nghệ thuật, nhưng việc tiếp xúc với âm nhạc hay văn hóa nói chung, tớ không được gia đình tạo điều kiện nhiều. Nhà tớ khá truyền thống, nên mọi nguồn lực đều dành cho thế hệ sau học những thứ cần thiết trong trường. Còn những gì được xem là “gia vị” như âm nhạc thì chỉ dừng ở việc xem tivi hoặc đọc mạng. Đến tận năm lớp 8, nhà tớ mới có Internet, và từ đó tớ mới bắt đầu khám phá thêm, nhưng vẫn còn rất nhiều thứ đến giờ tớ chưa biết.
Âm nhạc của tớ sau này phản ánh chính trải nghiệm đó. Mọi thứ tớ tạo ra đều có phần khuyết, đôi chỗ mờ nhòe, rè và nhiễu. Tớ từng cố sửa chữa, nhưng khi nhìn lại, tớ nhận ra đó chính là bản sắc của mình. “Rè và nhiễu” không còn là điểm yếu mà trở thành chất riêng. Nếu mình chấp nhận và tận dụng nó, thì nó sẽ là điều làm mình khác biệt.
Tớ không coi mình là nhạc sĩ hay người chơi đàn thực thụ. Những gì tớ làm ra, tớ gọi là nhạc, nhưng nó không nhất thiết phải đạt chuẩn. Làm độc lập nghĩa là không ai tác động hay đánh giá, tớ chỉ làm những gì tớ thích. Cuối cùng, chính sự tự do ấy lại rất hợp với tớ.
![](https://hrcwelive.com/wp-content/uploads/2025/01/Kien_02-1024x1024.png)
HRC: Bản thân anh cũng có một hành trình rất là độc lập và đa dạng, thì theo anh các nghệ sĩ trẻ phải chuẩn bị gì cho bản thân để đối mặt với những cái khó khăn trong hành trình làm nhạc độc lập?
Kiên: Việc đi một mình thực sự giống như mò mẫm trong bóng tối, vì không có ai đi trước để dẫn đường. Khi đã chọn con đường độc lập, mình phải chấp nhận hoàn toàn tự do, đồng nghĩa với việc không thể bám víu vào bất kỳ điều gì.
Mọi người phải tự mình trải nghiệm, cảm nhận trọn vẹn 100% mọi cung bậc, tiêu hóa tất cả những gì đã trải qua để đến lúc không còn chống lại chính mình nữa. Khi đó, ta chấp nhận một phần mới của bản thân và biến nó thành thứ hữu hình, có thể nhìn thấy, chạm vào. Việc sáng tác, sáng tạo hay viết nhạc thực chất là quá trình để mình vỡ ra nhiều lần, mỗi lần lại sinh ra một điều mới. Khổ đau trong hành trình này là điều không thể tránh khỏi.
Sáng tạo là hành trình đi tìm sự thật – thứ vốn rất thực tế và cần nỗ lực để nhận ra. Khi làm nghệ thuật, bản chất là khai phá bản thân để tạo ra điều gì đó hoàn toàn mới. Làm việc với bóng tối của chính mình không dễ, nhưng ai cũng phải trải qua. Và nếu có thể tạo ra cái đẹp từ hành trình ấy, thì đó thực sự là điều tuyệt vời.
![](https://hrcwelive.com/wp-content/uploads/2025/01/Kien_03-1024x1024.png)
HRC: Trong thời gian vừa rồi ở HRC thì bọn em cũng tiếp xúc với rất nhiều nghệ sĩ trẻ và em nghĩ nó cũng là một tín hiệu tốt. Các bạn đang quan tâm về âm nhạc nhiều hơn và thị trường âm nhạc có nhiều nghệ sĩ hơn. Nhưng mà cũng có một cái hơi tiêu cực là có một số bạn sẽ hay kỳ vọng về một cái sự thành công sớm.
Em nghĩ cái hay của âm nhạc độc lập là mỗi người có một màu sắc riêng, phần lớn nhờ việc đưa đời sống cá nhân vào âm nhạc, tạo nên sự khác biệt. Nhưng trong xã hội hiện đại, khi mọi người tiếp xúc nhiều với internet và các nền văn hóa khác nhau, việc giữ gìn bản sắc dường như khó hơn so với trước đây. Anh có nghĩ vậy không?
Kiên: Tớ hiểu, thực ra cái thập kỷ 2020 này có nhiều thay đổi lớn, đặc biệt là sau Covid, khiến mọi người có những trải nghiệm khác biệt, làm cho bản sắc của thập kỷ này chưa thực sự rõ ràng. Cảm xúc và cảm giác của thời kỳ này đôi khi cần phải mượn từ những thập kỷ khác để cảm nhận rõ hơn.
Và đúng như tớ thấy, trong nghệ thuật, thành công sớm là điều hiếm hoi,có rất ít người thực sự đạt được điều đó. Khả năng thất bại luôn hiện hữu và việc không có khán giả, không bán được vé, hay chưa nổi tiếng là điều rất bình thường, không phải là dấu hiệu xấu. Đó chỉ là một phần của hành trình mà thôi.
Thực tế là trong số những người thành công, không phải ai cũng có tố chất ngay từ đầu. Có những người luôn cảm thấy mình chưa đủ và liên tục đặt câu hỏi cho bản thân, nhưng họ không để những cảm giác đó đánh bại mình. Họ kiên trì với niềm tin rằng họ có thể làm khác đi, và một ngày nào đó, mọi thứ sẽ thay đổi. Điều quan trọng là họ không đánh giá quá thấp khả năng của bản thân trong lúc khó khăn, vì họ biết rằng để đánh giá chính mình một cách chính xác, cần một cái nhìn khách quan từ người khác, thậm chí là những người có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng hơn.
![](https://hrcwelive.com/wp-content/uploads/2025/01/Kien_04-1024x1024.png)
HRC: Trong series này, bọn em chơi chữ với “indie-credible sound”. Anh hiểu “incredible” trong âm nhạc indie là gì? Tính chất nào trong âm nhạc độc lập khiến nó trở nên đặc biệt và ấn tượng?
Kiên: Đối với tớ thì nó việc bản sắc sẽ không thể nào bị thay thế. Bản sắc không thể thay thế chính là khả năng đưa ADN của mình vào âm nhạc. Những nghệ sĩ thành công là những người tạo ra âm nhạc mà không thể bắt chước, họ có linh hồn riêng trong từng giai điệu. Đối với tớ, việc tìm bản sắc là một trải nghiệm: ban đầu, tớ có thể bắt chước ai đó, nhưng đến một điểm, tớ nhận ra mình không thể sao chép được. Đó là lúc tớ hiểu rằng đoạn nhạc không thể bắt chước chính là nơi mình phát hiện ra bản sắc riêng. Để giữ được bản sắc trong thời đại này, mỗi người sẽ phải trải qua một trải nghiệm để tìm ra điều gì đó thật sự quen thuộc và riêng biệt với mình.
![](https://hrcwelive.com/wp-content/uploads/2025/01/Kien_05-1024x1024.png)
HRC: Anh nghĩ là vai trò của những sân khấu của HRC có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của các nghệ sĩ độc lập?
Kiên: HRC giống như một cây đàn tốt. Nếu người học guitar bắt đầu với một cây đàn lệch chuẩn, tai họ sẽ dần quen với những sai lệch đó. Khi gặp cây đàn chuẩn, họ sẽ khó nhận ra sự khác biệt vì đã quen với âm thanh lệch. Tương tự, khi bắt đầu tự mày mò trong âm nhạc, mình sẽ gặp khó khăn vì không có công cụ chuẩn, không có môi trường đúng đắn để nhận ra cái gì là đúng hay sai.
Các sân khấu như HRC tạo ra một trải nghiệm chuẩn mực, nơi mọi người tập trung vào việc mang đến một không gian nghệ thuật chân thực nhất. Khi có những sân khấu như vậy, mọi người sẽ hiểu thế nào là trải nghiệm nghệ thuật đích thực, và từ đó, họ dễ dàng nhận ra những sân khấu thiếu đi yếu tố này. Điều này giống như một kim chỉ nam giúp họ tiếp tục tìm kiếm những sân khấu tương tự và các nghệ sĩ độc lập, nơi mà âm nhạc và nghệ thuật được thể hiện một cách chân thành và sâu sắc.
HRC: Hành trình 14 năm em nghĩ mà phải cảm ơn tất nhiên là từ phía chú ĐA, cảm ơn khán giả, cảm ơn nghệ sĩ rất là nhiều. Cũng bước sang sinh nhật lần thứ 14, anh có lời chúc nào gửi HRC và chú ĐA không ạ?
Kiên: Những lời chân thật nhất thì thường tớ nói ngay trên sân khấu lúc diễn sinh nhật rồi. Nhưng với HRC thì tớ cũng không ngại nhắc lại đâu. Cần những người như chú ĐA và những nơi như HRC, những người không đặt nặng việc bán vé hay chuyên môn, mà chỉ cần nhìn thấy sự đam mê và cái riêng của nghệ sĩ. Chính sự hỗ trợ này đã mở ra cánh cửa cho nghệ thuật địa phương phát triển. Nếu không có những sân khấu như vậy, bọn tớ sẽ không thể ngồi ở đây trả lời phỏng vấn. Nó giống như cách mà người dân nuôi dưỡng cách mạng, bọn tớ coi đó như tình thân, như bà con. (cười)
Đôi khi mọi người sẽ mệt mỏi vì phải hỗ trợ, phải cân đối nhiều thứ, nhưng vì không đặt lợi ích lên hàng đầu, họ phải tìm nguồn lực từ nơi khác, dù mệt mỏi, nhưng chúng tớ luôn cảm thấy sự thông cảm và trân trọng. Cứ kiên trì thêm một ngày, một năm nữa, nếu còn sức, thì cứ tiếp tục. Mọi thứ đều có thể thay đổi, biết đâu ngày mai sẽ mở ra một hướng đi mới.
Cảm ơn Kiên vì buổi trò chuyện này.