NÂN: “Thử thách lớn nhất của nghệ sĩ là một bài hit.”

NÂN, một nghệ sĩ độc lập từ Hà Nội, luôn nuôi dưỡng khát vọng “làm những điều mà mọi người chưa biết mình yêu thích”. Những sáng tác mà NÂN đem tới là sự hòa quyện độc đáo giữa cá tính, cái tôi và góc nhìn riêng. Không chỉ dừng lại ở những giai điệu, âm nhạc của NÂN còn là câu chuyện về cuộc sống và những cảm xúc mà NÂN muốn gửi gắm đến khán giả. 

Vào tháng 1 năm 2024, NÂN ra mắt album đầu tay mang tên “XT-TX”. Album này không chỉ là hành trình khám phá nội tâm, nơi NÂN tự do bộc lộ bản thân qua những giai điệu phong phú và sâu sắc, mà còn là minh chứng cho tinh thần sáng tạo và sự đột phá của nghệ sĩ độc lập. “XT-TX” đã đánh dấu một cột mốc chuyển mình đầy mạnh mẽ của NÂN, thể hiện rằng NÂN luôn luôn sẵn sàng phá bỏ mọi rào cản trong hành trình âm nhạc.

Là một người bạn thân thiết lâu năm với Hanoi Rock City, NÂN đã không ít lần mang đến những màn trình diễn ấn tượng tại đây, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Vì vậy, trong series Indie-credible Sound nhân dịp sinh nhật HRC lần thứ 14, chúng tôi đã có cơ hội trò chuyện cùng nàng nghệ sĩ cá tính này. Mời các bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của NÂN trong buổi phỏng vấn đặc biệt này.


HRC: Chào NÂN. Cảm ơn NÂN đã dành thời gian trò chuyện cùng Hanoi Rock City. Vốn đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng cộng đồng yêu nhạc indie từ rất sớm rồi, vậy NÂN có thể chia sẻ hành trình âm nhạc của mình bắt đầu từ đâu không?

NÂN: Mình nhớ khoảng thời gian bắt đầu tham gia vào các sản phẩm âm nhạc là khi mình học lớp 11. Lần đầu tiên mình thực sự thu âm một ca khúc là nhờ anh rapper TSL. Anh đã sáng tác một bài nhạc và đang tìm kiếm ca sĩ phù hợp. Trước đó, anh đã thử với vài giọng ca nữ nhưng chưa thấy ưng, nên một người bạn chung của bọn mình đã gợi ý: “Ê, thử NÂN xem, NÂN biết hát đấy.” Thế là mình hát demo, thu âm bằng chiếc điện thoại iPhone 5 hay 6 gì đó, gửi cho anh và nhận được lời mời đi thu. Sau khi thu âm xong, bài nhạc được tải lên SoundCloud, và mọi người bắt đầu nhận ra: “Ôi, bạn này biết hát nè!” Tuy nhiên, mình tiếc là giờ đây bài đó không còn trên SoundCloud nữa vì anh TSL đã xóa mất rồi. (cười)

Từ những bài hát đó, mọi người chỉ mượn giọng mình, nhưng mình đã có những trải nghiệm về việc thu âm, cách hát và cách truyền tải cảm xúc. Dần dần về sau thì mình gặp được Long, Long chính là người bảo mình là “Không, mày hát không đủ, tao thấy cảm xúc của mày phải viết được cơ.” 

Mình nghĩ rằng hành trình âm nhạc của mình bắt đầu nhờ những người bạn. Họ đã nhìn thấy tiềm năng của mình và kéo mình vào thế giới âm nhạc. Mình không cho rằng đó là cơ duyên, mà là may mắn. Nếu không có họ, mình khó có cơ hội để bước chân vào âm nhạc. Dù những người ấy đã đến và đi, điểm xuất phát của mình vẫn luôn là từ cộng đồng và những người xung quanh, chứ không phải chỉ từ bản thân mình được.

HRC: Vậy là hành trình bắt đầu với âm nhạc của NÂN là nhờ có một cộng đồng riêng cùng những điểm xuất phát nhỏ. NÂN có nhớ những sân khấu đầu tiên mà mình được biểu diễn không?

NÂN: Sân khấu đầu tiên à? Nếu mà chỉ nói đến đi diễn ấy, thì mình nhớ lần đầu tiên mình được biểu diễn ở Rạp xiếc Trung Ương khi học lớp 2. Mình được chọn đi diễn Twinkle Twinkle Little Star cho buổi tuyên dương cuối năm của học sinh lớp 2 trường tiểu học Bình Minh.

Còn nếu mà để nói về nhạc của mình, thì sân khấu đầu tiên là mình diễn ở một quán trên Tạ Hiện, mình diễn bài “Hello” cùng với TSL và itsnk. Hồi đó còn chưa đủ tuổi vào quán nhưng vẫn được lên hát (cười). Thì sân khấu đầu tiên cũng chỉ là những cái buổi tiệc của bạn bè hoặc được anh em kéo đi diễn cùng thôi.

Về sân khấu diễn nhạc đầu tiên, mình không nhớ rõ lắm, nhưng đáng nhớ nhất là tại Những Thành Phố Mơ Màng lần thứ hai. Đối với mình, đó là sân khấu lớn, nơi mình thực sự biểu diễn và hát nhạc của chính mình. Hồi đó, mình có người bạn tên Tuấn, bạn ấy chơi guitar và giúp mình viết nhạc vì mình chưa biết gì về nhạc lý. Trên sân khấu, Tuấn đệm cho hai bài, còn một bài mình tự chơi ukulele, hồi đó đánh vẫn còn phô lắm và không biết “tune đàn” là gì. Điều khiến mình vui nhất là có nhiều bạn bè như anh Chủ Tịch Kim, anh Minh Đinh, chị Trang đứng ở cánh gà động viên. Mọi người biết mình run nên đã cổ vũ hết sức nhiệt tình, rất đáng yêu!

HRC: Vậy còn sân khấu đầu tiên của NÂN tại HRC thì sao? Tò mò quá, NÂN còn nhớ chứ?

NÂN: CÓ! Sân khấu đầu tiên ở HRC thì mình nhớ.

HRC: Lần đầu tiên đó là dịp gì nhỉ? NÂN có thể chia sẻ cơ duyên đến với HRC và các trải nghiệm của mình tại đây không?

NÂN: Trải nghiệm đầu tiên của mình tại HRC là trong một bữa tiệc của hội hip-hop khi mình đang học lớp 11, lúc đó mình chưa biết HRC là gì. Dù đó là lần đầu tiên, nhưng không phải lần đầu theo nghĩa thực sự, vì phải sau 1-2 năm mình mới chính thức diễn tại HRC.

Lần đầu tiên mình biểu diễn tại HRC là nhờ chị Vũ Thanh Vân, chị đã mời mình tham gia sự kiện Thursday Disclosure. Sau đó, chú ĐA đã tạo điều kiện rất nhiều cho mình.

Lần chơi live band đầu tiên của mình cũng ở HRC, dù chỉ là một nhóm mình “nhặt” lẻ tẻ thôi. Hồi đó, mình chưa quen ai, nhưng tình cờ mọi người cùng chơi với nhau: anh Nguyên Lê guitar, Nam Ngô bass, anh Trung Chảnh keyboard và Hưng Phạm chơi trống. Bốn người không liên quan gì đến nhau cả, vì lúc đó chưa có Mèow Lạc, Abyxx hay anh Trung cũng chưa trong Ngọt. Mình cứ mạnh dạn hỏi mọi người và rất vui là mọi người đã đồng ý. Mình nhớ đấy là show vào ngày 8 tháng 3, mang tên “Thiếu Nữ”.

HRC: Cảm giác diễn cùng band của NÂN khi đó thế nào?

NÂN: Nghiện. Khi mà mình chơi nhạc với mọi người, nó là cái cảm giác mình được cô đơn nhưng vẫn có người khác ở cạnh, mình không cần phải nói để mọi người hiểu, chỉ cần chơi nhạc với nhau thôi.

Có những cái mọi người sẽ trợ giúp mình, khi mình có ý tưởng nhưng khó diễn đạt thành lời, vì ngày đó mình cũng còn khá nhỏ. Nhưng mọi người đã giúp đỡ mình rất nhiều để có thể thực hiện những ý tưởng đó. Nói chung đối với mình thì HRC nắm giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp mà cũng có những lúc hơi ác mộng với mình luôn.

HRC: Ác mộng á? Ác mộng như thế nào?

NÂN: Ác mộng nhất thì chắc vẫn là cái lần mình phải ôm bồn cầu và nằm ngủ trong nhà vệ sinh. Hình như là tiệc sinh nhật HRC năm 2019. Chú ĐA vẫn còn có ảnh mình quấn cái khăn mượn của anh Thành Chu. Xong tất cả mọi người thay phiên chụp ảnh với mình mà mình cứ nằm ngủ thôi. (cười)

HRC: Sau khi đồng hành với HRC rất nhiều năm thì ấn tượng của NÂN với HRC có thay đổi không?

NÂN: Mình thấy có chứ. Chắc chắn nó phải thay đổi chứ. Nó có thể thay đổi mỗi ngày, mỗi tuần luôn ấy. Nhưng mà mình càng ngày càng trân trọng HRC hơn. Cái quá trình ban đầu mình là một nghệ sĩ mới, thậm chí còn chưa gọi là nghệ sĩ luôn, mình chỉ muốn chơi nhạc thôi, mình mới bắt đầu biết cách đánh đàn hay biết cách viết nhạc, và HRC đã đồng hành với mình từ cái ngày đấy. 

Đến bây giờ mình có thể tự gọi bản thân là một nghệ sĩ vì mình đã hoạt động 6 năm, thực sự là hoạt động rất tích cực, ra được rất nhiều sản phẩm, và rất nghiêm túc với âm nhạc rồi, thì mình mới có thể tự dám nhận là nghệ sĩ. 

Mình còn biết những câu chuyện đằng sau về cách mọi người cố gắng giữ được HRC hoạt động xuyên suốt bao nhiêu năm qua, nhất là qua được cả đợt COVID. Mình thấy rất là trân trọng bởi vì ở Hà Nội thật sự không có một nơi nào khác như HRC cả. Mà kể cả Sài Gòn cũng thế, cả Việt Nam này mình nghĩ không có một nơi nào mà có thể sánh được bằng với HRC cả.

HRC là điểm bắt đầu của tất cả các nghệ sĩ mà mình nghe bây giờ, kể cả cộng đồng nó có mất đi chăng nữa thì nó vẫn sẽ có một cộng đồng mới khác xuất hiện. Cái cơ duyên mọi người gặp được nhau nó vẫn luôn luôn là HRC. Nghe cũng tâm linh, HRC rất là kiểu có vía tốt, thật sự, rất tâm linh luôn đấy. (cười)

HRC: Trong khoảng thời gian hoạt động với tư cách là một nghệ sĩ, có bao giờ NÂN bị tác động bên ngoài ảnh hưởng đến phong cách âm nhạc của mình không? Ví dụ như khi khán giả muốn NÂN thay đổi theo một hướng khác?

NÂN: Nhiều lắm, đến bây giờ mình vẫn bắt gặp. Mình tiếp nhận mọi ý kiến, kể cả những ý kiến tiêu cực. Mình nghĩ đó là một phần của âm nhạc và không thấy nó là một vấn đề. Mình phân tích được rõ khi người khác có những cảm xúc đấy. Tuy là mình sẽ buồn, nhưng mình hiểu được nó.

Mình thấy là khi đã làm nhạc, cái tôi nghệ sĩ của mình nó chắc chắn nó cao hơn các cái tôi khác rồi. Để mà thể hiện cái tôi đấy ra, mình lại phải nhân đôi nó lên nữa, thì cảm xúc mới có thể được truyền tải. Và để có cái tôi cao, để mình vẫn giữ được nó như thế là quan điểm. Mình phải biết được chắc chắn mình là ai, mình cần những cái gì, kể cả chưa chắc chắn thì cũng phải biết là “Tôi vẫn đang trên đường để tìm ra cái đấy.”

Mình cảm thấy vui khi nhận ra mình chưa đủ, vì điều đó có nghĩa là NÂN vẫn đang học hỏi và có khả năng tiến bộ. Còn khi chỉ nhận những lời khen và cảm thấy rất mãn nguyện với những điều đã làm, thì mình nghĩ giây phút đấy mình không còn là nghệ sĩ nữa. Mình thấy như thế là ổn rồi thì làm gì còn mục đích để tiến lên?

HRC: Ban nãy mình thấy NÂN có hát nhạc của FKA Twigs, không biết là NÂN có một vài cái tên nào thích nghe gần đây và cảm thấy mình có thể học hỏi từ âm nhạc của họ không?

NÂN: Nhiều quá, để kể thì sẽ rất lâu. Bây giờ ngắn gọn thì sẽ là những nghệ sĩ là cảm hứng của mình trong album gần nhất nhé. Trước tiên chắc phải kể đến FKA Twigs. Người thứ hai thì chắc chắn là SOPHIE. Thứ ba là bộ đôi RnB, Division  Gần đây mình cũng thích aespa vì cái cách họ sử dụng vũ đạo và giọng hát. Bên cạnh đó, mình cũng ấn tượng với Uru, Caroline Polachek. Rồi cả Charli XCX, và Lorde nữa, những nghệ sĩ đã luôn chiếm trọn trái tim mình từ lâu.

Mình không nhận mình là một người nghe nhiều, nhưng mình thích nghiên cứu. Có những bài nhạc mình không quá thích nhưng vẫn sẽ sắp xếp một buổi trong tuần để lưu lại, nghe và tìm được cái hay của nó. Có những thứ mình phải nghe để nghiên cứu, để tìm được nhiều thứ hơn và nghe được nhiều những âm thanh khác nhau.

HRC: NÂN vừa chia sẻ là có hẳn một khoảng thời gian trong tuần chỉ để nghiên cứu nhạc. Vậy đối với việc sáng tác âm nhạc thì NÂN có tạo dựng một thói quen như vậy không? Hay mình vẫn dựa vào cảm hứng nhiều hơn?

NÂN: Mình đang cố gắng đấy. Mình không còn tùy hứng nữa rồi nên mình rất cố gắng để có một cái thời gian biểu. Cứ đến giờ này mình sẽ ngồi vào bàn, có thể sẽ chơi game rất lâu nhưng ít nhất thì vẫn ngồi để bản thân nhận thức được rằng “Okay, giờ này mình nên ở đây”.  Có những ngày mình có thể viết được một bài hát trong vòng 30 phút nhưng có những hôm mình không làm được thế. Mình không thể liên tục kiểu ngày nào cũng viết một bài hát trong vòng nửa tiếng được. 

Mình có nhận được lời khuyên từ PT của mình, mình ngưỡng mộ bạn ấy lắm vì bạn ấy phân bổ thời gian và hoàn thành các hoạt động rất tốt. Bí quyết bạn ấy chia sẻ với mình là “bắt đầu nhỏ thôi”. Mình thấy cũng hợp lý, vì mình không thể nào ép bản thân liên tục được. Mình cần chất xám, cần cảm xúc. Mình là một người thích chuẩn bị, khi mà mình chuẩn bị tốt ấy, thì cái kết quả, hay là rủi ro phát sinh, dù ra sao thì tất cả đều có thể sửa được.

HRC: Có bao giờ trong hành trình làm nhạc mà NÂN sợ những cái hiện tượng như là “One hit wonder” không? Như kiểu cứ nhắc đến Nân là “Tình đắng”…

NÂN: À, mình vẫn đang khó chịu vì cái đấy mà.

HRC: Vậy NÂN có cảm nhận thế nào về “Tình đắng” trong hành trình âm nhạc của mình?

NÂN: Đối với mình, bài “Tình đắng” là One hit wonder thật. Phải khẳng định như vậy. Mình cũng không biết tại sao nó lại là One hit wonder. Mình đã dành 4 năm nghỉ ngơi để tìm ra lý do vì sao bài đó lại nổi và vì sao mình không còn muốn làm những bài nhạc như thế nữa?

Lúc đầu mình nghĩ có thể là vì nó nổi, nhưng sau này thì mình nhận ra là “Không, nó là một phần của quá trình, nó là bước đầu của mình.” Cái ngày đấy khi mình hát bài đấy, mình cảm nhận được những thứ mà mình đang nói và viết. Nhưng bây giờ hát lại thì thấy mình như một đứa trẻ con, mình đã lớn lên và quan điểm của mình cũng khác, nó không còn phù hợp với bài hát này nữa. 

Tuy nhiên, mình đang dần thích nghi với điều này. Nhu cầu và mục đích sáng tác của mình rất rõ ràng, nên mình không cảm thấy cần phải chứng tỏ bản thân với ai. Mình nhận ra rằng đây giống như một quá trình sàng lọc; những người hiểu mình sẽ không đánh giá dựa trên một bài hát hay vẻ bề ngoài của mình trong một khoảnh khắc nào đó. Vì vậy, khi mọi người hỏi về “Tình đắng”, mình vẫn có thể trêu đùa về nó, đùa được tức là mình dần lớn lên và bắt đầu trưởng thành rồi đấy!

HRC: Đối với NÂN, những thử thách mà bất kỳ nghệ sĩ độc lập nào cũng cần lường trước khi bước vào lĩnh vực này là gì? Làm thế nào để họ có thể đối mặt với những thử thách đó một cách mạnh mẽ nhất?

NÂN: Mình nghĩ thử thách lớn nhất đối với một nghệ sĩ vẫn là việc có được một bài hit. Không phải là việc đạt được thành công đó, mà quan trọng hơn, sau khi sở hữu một bài hát như vậy, tôi sẽ trở thành con người ra sao? Việc ngủ quên trên chiến thắng là điều dễ hiểu, và chắc chắn ai cũng sẽ trải qua những khoảnh khắc như vậy. Thực tế là, một bài hát nổi bật và thời gian nổi tiếng chỉ là những khoảnh khắc nhất thời; chúng sẽ có điểm kết thúc. Không gì là vĩnh viễn, và sự nổi tiếng cũng vậy.

Nếu như mình chỉ mãi sống trong cảm giác tự mãn vì một bài hát nổi tiếng, thì khi ra đường, mình sẽ luôn nghĩ rằng “tôi hơn tất cả mọi người” hay “tôi được biết đến nhiều hơn rồi.” Những người sống mãi trong khoảnh khắc đó có thể không thấy sự nghiệp của họ kết thúc, nhưng tính nghệ thuật của họ sẽ dần đi đến hồi kết. Nếu chỉ với một bài hát, họ đã cảm thấy mãn nguyện, thì sẽ không còn gì để họ khám phá hay tìm hiểu thêm nữa.

HRC: Nếu được đưa ra một lời khuyên cho nghệ sĩ độc lập trẻ, với tư cách là một người đi trước, thì NÂN có lời gì gửi đến các bạn?

NÂN: Mình là chỉ có đúng một ý thôi, là ứng xử. Thật sự không ai xuất phát từ một điểm nào đó mà có thể gọi là hoàn hảo hoặc là phiên bản tốt nhất của chính mình. Dù tài năng có thể chưa phát triển, nhưng tiềm năng luôn tồn tại. Tuy nhiên, liệu tiềm năng đó có được khai thác triệt để hay không còn phụ thuộc vào cách mình tương tác với những người xung quanh, vì không ai có thể đơn độc trong hành trình của mình.

Mình nhận thấy rằng việc mình giỏi hay không giỏi thực sự chỉ là vấn đề thời gian. Còn cách ứng xử mới là yếu tố quyết định xem mình có thể đi xa và lâu dài hay không.

HRC: Theo NÂN, “indie” trong Indie-credible Sound nó nằm ở đâu, nó có thể được miêu tả như thế nào?

NÂN: Mình vẫn nghĩ là cộng đồng, mình dạo này kiểu bị wholesome lắm (cười). Mình thực sự biết ơn, vì âm thanh indie tuyệt vời nhất là lời cảm ơn đấy. Không ai có thể đi được một mình cả, nhưng mà mình có thể đi một mình cùng nhau. Bởi vì là mỗi người một cái ngành nghề khác nhau mà, mỗi người một việc mà. Kể cả những dự án, mỗi bài nhạc mà mình làm ra, cái cảm xúc nó cũng phải đến từ yếu tố môi trường xung quanh nữa chứ, đúng không?

Tất cả đều là lời cảm ơn hết. Thế nên đối với mình đấy là âm thanh tuyệt vời nhất. Nghe triết học không mọi người? (cười)

HRC: Nhân dịp sinh nhật HRC, NÂN có lời chúc gì dành cho HRC và chú ĐA không?

NÂN:  Đến đoạn lời chúc là thấy bối rối này, không biết nói gì nữa… Nhưng thực sự, mình rất vui vì đến tận bây giờ vẫn được đồng hành cùng mọi người. Dù có thể một ngày nào đó sẽ không còn đi chung, mình vẫn cảm nhận được rằng mọi thứ là một phần của hành trình, và con đường phía trước vẫn còn rất dài. Mình nghĩ cảm xúc này thật sự quý giá, mình không diễn tả được nó ra ấy, thực sự mình rất biết ơn. Vì mình không nhìn xa trông rộng được nên cũng chẳng biết chúc gì. Chú ĐA đủ chất và đủ giàu (tình cảm) để nuôi HRC rồi. (cười)

Cảm ơn NÂN vì cuộc nói chuyện hết sức thú vị nhé.