Những Đứa Trẻ: “Scene nhạc Indie bây giờ là một cách gọi khác của việc nghệ sĩ được chơi cái mình muốn.”

Được thành lập vào năm 2015, thời điểm mà khái niệm “indie” vẫn còn mới mẻ và phong trào này chỉ vừa chớm nở tại Hà Nội, Những Đứa Trẻ đã sớm khẳng định mình như một biểu tượng của sự tự do sáng tạo và tinh thần dám khác biệt. 

Ở thời điểm ấy, sân chơi cho nhạc indie còn rất nhỏ bé, khán giả chưa đông đảo và sự hỗ trợ gần như không có. Nhưng Những Đứa Trẻ đã bước ra khỏi những giới hạn, dùng âm nhạc để kể câu chuyện của chính mình và truyền cảm hứng cho những ai khao khát khám phá một dòng chảy mới trong âm nhạc Việt. Sự sáng tạo không giới hạn và phong cách âm nhạc độc đáo đã giúp họ trở thành biểu tượng của một thế hệ nghệ sĩ trẻ đương thời, những người dám khai phá, dám thử nghiệm và khẳng định tiếng nói riêng.

Trong series “Indie-credible Sound”, HRC hợp tác cùng Ash Asia Vietnam tái hiện bức tranh sinh động của phong trào nhạc indie tại Việt Nam qua những câu chuyện của các nghệ sĩ tiên phong. Và hôm nay, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với Những Đứa Trẻ để hiểu rõ hơn về hành trình nghệ thuật, những khó khăn, thách thức mà họ đã trải qua, cũng như di sản mà họ để lại trong lòng người yêu nhạc.

Mời các bạn trò chuyện cùng chúng tôi.

___________________________________________________________________________

HRC: Chào Những Đứa Trẻ. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian trò chuyện cùng HRC. Theo em được biết, các anh từ những người bạn chơi chung với nhau đã kết hợp lại thành một ban nhạc. Vậy mọi người có thể chia sẻ về hành trình của Những Đứa Trẻ từ những ngày đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại được không?

Lộc: Lúc bắt đầu thì có mình và Quý. Vì rất thích những loại nhạc có tempo nhanh nên hai bọn mình mới rủ nhau lập nên một ban nhạc để chơi Punk và Alternative, đại khái thì đó là những loại nhạc có tính sôi động cao, có nhiều âm thanh của guitar điện và trống, rất là dồn dập và ồn ào. Sau đó thì bọn mình mời Sơn và Minh gia nhập cùng, thế là Những Đứa Trẻ được thành lập vào năm 2015. Lúc đấy bọn mình có bốn người.

Quý: Mình nghĩ là Những Đứa Trẻ cũng sẽ giống như rất nhiều những ban nhạc khác, thời gian đầu bọn mình cũng chỉ chơi nhạc cho vui và dần dà qua âm nhạc bọn mình muốn thể hiện một chút cái tôi của mình, những ý tưởng mà mình muốn nói ra, muốn thể hiện ra cho mọi người xung quanh. 

Lộc: Lúc đấy bọn mình chỉ chơi nhạc với tinh thần kiểu “Cứ quẩy thôi!”. Bọn mình đi tìm và xin tham gia biểu diễn ở những show xung quanh, và không quan tâm gì khác. Bọn mình bảo nhau là bây giờ mình có bài rồi thì mình cứ hoàn thiện và ra sản phẩm thôi. Và đấy là hai năm đầu tiên của ban nhạc, không có quá nhiều thứ xảy ra. Tuy nhiên, đến khi band ra EP đầu tiên là Những Đứa Trẻ Trong Ngõ, với ba bài hát đầu là Không Sao Đâu, Ai Cần và Con Ngõ Phía Sau, bọn mình bắt đầu nhận được sự đón nhận từ cộng đồng Rock Underground và được mời đi diễn ở nhiều show hơn. 

Vào một năm sau (năm 2017) thì bọn mình có họp lại với nhau và quyết định là ban nhạc sẽ có một hướng đi nghiêm túc hơn. Nghiêm túc hơn ở đây là để duy trì cái niềm đam mê với âm nhạc. Không hẳn là để ban nhạc có thể kiếm được nhiều tiền hay gì cả, chỉ đơn giản là muốn đi được một quãng đường dài với nhau. Vậy nên là từ chỗ chơi nhạc vui vẻ vì đam mê, bọn mình bắt đầu học hỏi những anh em nghệ sĩ khác để làm mọi thứ được chuẩn chỉ hơn. 

HRC: Vậy đó chính là thời điểm mà Những Đứa Trẻ xác định làm nhạc nghiêm túc?

Sơn: Như Lộc cũng đã nói, trong hai năm đầu tiên của ban nhạc bọn mình hoàn toàn không có một cái định hướng gì với câu chuyện chơi nhạc cả. Tức là bọn mình chỉ nghĩ rằng đó là một việc làm mình trở nên rất là ngầu, để tuổi trẻ mình theo đuổi, để tạo nên một giá trị gì đấy cho bản thân mình. Khi Những Đứa Trẻ đã hoạt động được một khoảng thời gian thì bọn mình biết rằng bọn mình có thể tạo ra được những giá trị đặc biệt hơn với âm nhạc của mình. Và rằng nếu như mình học hỏi nhiều hơn, mình chỉn chu hơn, mình làm mọi việc một cách có kế hoạch hơn thì những sản phẩm mà mình phát hành sẽ có được hiệu ứng tốt hơn. 

Cũng bởi vì nhận được nhiều sự đón nhận của mọi người kể từ khi phát hành EP đầu tiên trên SoundCloud nên đến năm 2017, bọn mình đã bắt đầu nghiêm túc hơn với câu chuyện chơi nhạc. Và bọn mình cũng thống nhất một quan điểm là bọn mình sẽ không thay đổi định hướng của ban nhạc theo kiểu phải làm nhạc để kiếm được tiền hay để nổi tiếng hơn, bọn mình chỉ muốn những sản phẩm mà mình làm ra có chất lượng tốt và chạm đến nhiều người hơn thôi. Kể cả cho đến thời điểm này bọn mình vẫn đang cố gắng duy trì âm nhạc của Những Đứa Trẻ theo hướng ấy. Âm nhạc vẫn là đam mê của bọn mình nhưng bọn mình không chỉ chơi nó vì đam mê và sở thích nữa, bọn mình muốn theo đuổi nó như theo đuổi một công việc. Mặc dù mình biết là như thế thì sẽ vất vả hơn nhưng dù sao thì âm nhạc vẫn là một điều quan trọng mà bọn mình muốn làm. Ít nhất là cho bản thân mình và cũng như là cho những người bạn đã ủng hộ bọn mình từ rất lâu, trong suốt gần 10 năm qua. 

HRC: Khi nghe những sáng tác của band, em thấy dường như hình ảnh Hà Nội luôn hiện hữu và là nguồn cảm hứng cho âm nhạc của Những Đứa Trẻ. Vậy cảm hứng đấy vẫn theo các anh đến tận bây giờ chứ?

Lộc: Trước giờ thì mình rất thích đi chơi. Thường thì những ý tưởng âm nhạc hay đến với mình khi mình đang đi bộ, dạo phố hay là khi mình đang lái xe trên đường. Và mình cóp nhặt những ý tưởng đấy lại để sáng tác. Cho nên mình nghĩ âm nhạc của Những Đứa Trẻ sẽ mang lại cảm giác rất gần gũi với những nơi mà bọn mình sống. Tạm coi đây là thương hiệu của Những Đứa Trẻ đi, về cơ bản thì đang là như thế. Có thể là sau này, khi sáng tác, bọn mình sẽ hướng đến những nơi chốn khác ngoài Hà Nội hoặc hướng đến những chủ đề và concept khác. Nhưng hiện giờ thì hầu hết mọi thứ vẫn đang xoay quanh nơi mà bọn mình đang sống là Hà Nội. Qua âm nhạc, bọn mình thể hiện những câu chuyện xảy ra ở xung quanh đây hoặc chỉ đơn giản là những cảm xúc thường nhật mà cuộc sống ở đây mang lại. 

Quý: Mình với tư cách là một người nghe lyrics, vì chủ yếu lyrics sẽ là Lộc viết, thì mình thấy nguồn cảm hứng, hay đôi khi mình nghĩ đó là cái tôn chỉ, của hầu hết các bài hát của Những Đứa Trẻ đều là những câu chuyện của bọn mình. Tức là có thể nhiều người sẽ cho rằng bài hát của họ đến từ câu chuyện của một người khác, đôi khi còn là những câu chuyện họ đọc được trên báo. Nhưng thường thì bọn mình không xa đến mức đấy, bọn mình chỉ hay nói về những câu chuyện từ bọn mình mà ra, những sự việc mà bọn mình đã trải qua trong cuộc sống. Bọn mình cảm nhận những câu chuyện ấy để rồi viết ra thành lyrics và chia sẻ nó với mọi người, chỉ vậy thôi.

Lộc: Theo tôi thì nghệ sĩ nào cũng thế ông ạ. (cười)

Sơn: Tôi hiểu ý của Quý, ý của Quý là dĩ nhiên cũng có những người họ cóp nhặt những câu chuyện được họ nhìn nhận dưới góc nhìn của một người đứng ở ngoài nhìn vào thay vì người ta trực tiếp trải nghiệm câu chuyện đấy. Thì ý của Quý là mình không làm như thế, hoặc có thể là mình đã làm nhưng mà rất ít khi mình đi theo cái hướng như thế. Hầu hết là các sáng tác của mình đều là những trải nghiệm của mình thay vì là những trải nghiệm của người khác mà mình quan sát được.

Lộc: Mình nghĩ có một cách khác để diễn tả điều này đó là vì bọn mình đều khá hướng nội. Nên bọn mình sẽ hướng đến những sự việc xảy ra trong tầm ảnh hưởng của mình và trong phạm vi mà mình tiếp xúc được thôi. Chứ bọn mình ít khi kể những câu chuyện mà nó quá xa so với mình. Khi như bọn mình hiểu và có nhiều cảm xúc với một câu chuyện thì bọn mình mới có đủ sự thoải mái và tự tin để thể hiện nó ra được. 

HRC: Trong một hành trình âm nhạc khá dài, gần 10 năm rồi, không biết trên chặng đường của Những Đứa Trẻ, đã từng có khoảng thời gian nào mà các anh nghĩ đó là bước ngoặt của band không?

Lộc: Rất nhiều bước ngoặt và chông gai. (cười)

Sơn: Khi mình nhìn nhận lại mọi việc thì mình có cảm giác con đường mình đi giống như là rễ cây ấy, mình bắt đầu từ một nhánh rễ nhỏ rồi từ đó sẽ có những nhánh con khác mọc ra tùy theo từng quyết định và sự lựa chọn của mình. Đã có rất nhiều sự kiện xảy ra và trở thành bước ngoặt trên con đường của Những Đứa Trẻ, ví dụ như lần đầu tiên bọn mình được đến Sài Gòn biểu diễn tại show Chồm Hổm, vào tháng Ba hay tháng Tư gì đó trong năm 2017. Đó là lần đầu tiên bọn mình biểu diễn ở Sài Gòn và trước đấy bọn mình không hề biết khán giả ở trong Sài Gòn đã nghe và đón nhận âm nhạc của ban nhạc ra sao. 

Lộc: Cách đó khoảng tầm nửa năm, tháng Chín năm 2016 thì phải, bạn rapper Cam có chia sẻ lại bài Con Ngõ Phía Sau ở trên SoundCloud lên trang cá nhân của bạn ấy. Năm ấy bọn mình không hề được biết đến chuyện này, bọn mình chỉ biết là bài Con Ngõ Phía Sau bỗng nhiên hot một cách bất thường mà không rõ lý do. (cười)

Năm ấy ở Sài Gòn bọn mình đã tham gia Lễ hội âm nhạc Chồm Hổm. Có rất nhiều ban nhạc tham gia, kể cả các ban nhạc chơi nhạc Rock nặng và Rock Indie lúc bấy giờ. Vì là lần đầu bọn mình được đến Sài Gòn cùng nhau và biểu diễn trên một sân khấu ở Sài Gòn nên lúc đó bọn mình không suy nghĩ gì nhiều mà chỉ muốn có được những trải nghiệm mới thôi. Và thực sự bọn mình đã được trải nghiệm rất nhiều điều mới mẻ. Khi MC giới thiệu Những Đứa Trẻ trên sân khấu thì ở dưới phía khán giả, trong một khán phòng chứa khoảng tầm 250-300 người ấy, tất cả mọi người đều hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt khiến bọn mình thực sự rất bất ngờ.

Đó là lần đầu tiên bọn mình cảm thấy mình tỏa sáng như những ngôi sao. Mặc dù chỉ là ngôi sao rất nhỏ bé trong vũ trụ rộng lớn thôi. Có rất nhiều người hô tên ban nhạc, họ gọi “Những đứa Trẻ”, “Những Đứa Trẻ” làm bọn mình cảm thấy vô cùng phấn chấn. Hôm đó bọn anh diễn tổng cộng bốn bài, đang diễn được hai bài thì đèn tắt hẳn vì nguồn điện bị quá tải. Đèn phải cắt, điều hòa cũng phải cắt, chỉ để lại mỗi âm thanh thôi. Thế là lúc đang chơi bài “Gió” anh nóng quá nên cởi áo ra. Một lát sau đèn sáng lên thì tất cả mọi người đều giơ máy ra chụp (cười). 

Sơn: Cũng trong ngày hôm đó, bọn mình lần đầu được trải nghiệm cái mà bây giờ người ta gọi là fanchant ấy. Tức là có nhiều khán giả hát theo bài hát của ban nhạc. Thì ngày hôm ấy là lần đầu tiên chuyện này xảy ra với Những Đứa Trẻ, và kể từ khi ấy, mình đã biết rằng đó là một điều rất tuyệt vời. Bọn mình cũng đã rất bất ngờ không hiểu tại sao mà khán giả ở Sài Gòn lại biết đến Những Đứa Trẻ mặc dù trước đấy chúng mình chưa từng biểu diễn ở Sài Gòn. 

Hiệu ứng của sự kiện đó đã tạo một động lực rất lớn giúp bọn mình có thể tiếp tục hoạt động trong gần hai năm sau đấy, biểu hiện cụ thể ở EP thứ hai. Khi bọn mình đi Sài Gòn thì các bài hát mới của Những Đứa Trẻ đã bắt đầu được triển khai nhưng chưa có kế hoạch gộp thành một EP. Kể từ sau chuyến đi Sài Gòn thì như đã được tiếp thêm sức mạnh, bọn mình về Hà Nội hoàn thiện nốt các bài hát, làm thành một EP thứ hai của ban nhạc và phát hành EP 2.0 đó trong năm ấy luôn. 

Cũng trong năm ấy, bọn mình có tour đầu tiên trong đời ban nhạc là tour Hà Nội – Sài Gòn để quảng bá EP 2.0. Cũng đã có rất là nhiều người đến xem và ủng hộ ban nhạc. Một năm sau đó thì chúng mình phát hành album đầu tiên của Những Đứa Trẻ.

HRC: Vậy dường như khán giả cũng là một trong những động lực chính cho sự phát triển của các nghệ sĩ. Anh có thấy như vậy không?

Sơn: Mình thấy câu chuyện này của bọn mình có thể liên hệ đến sự tương tác giữa người nghệ sĩ với khán giả của mình. Nếu một người nghệ sĩ có sự tương tác và trao đổi với khán giả thì bao giờ góc nhìn cũng như là động lực của người nghệ sĩ ấy sẽ đổi hướng tích cực hơn. Ví dụ, nếu như mình không đi biểu diễn trong vòng 2 năm thì mình sẽ không biết mọi người đang tiếp nhận âm nhạc của mình như thế nào, hay mọi người đang đón nhận sự hiện diện của mình khi biểu diễn ra làm sao, rất có thể mình sẽ lạc lối. Nhưng nếu như mình có sự tương tác và trao đổi với khán giả thì mình sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng rất lớn, và đa phần đều là năng lượng tích cực. 

HRC: Đối với ban nhạc thì các anh thấy show diễn nào của Những Đứa Trẻ ở HRC là đáng nhớ nhất ạ?

Lộc: Mình đang nghĩ đến show diễn vào năm 2022, à không, có nhiều show lắm. Nhưng show diễn thích nhất thì là Summer Tour và “Mùa hè đến đây”.

Sơn: “Mùa hè đến đây” diễn ra vào năm 2019, show ấy rất là vui. “Mùa hè đến đây” là một trong những show đông nhất mà Những Đứa Trẻ từng tổ chức ở HRC, gần 200 người. Khách mời của show là Chủ tịch Kim. 

“Mùa hè đến đây” cũng là một trong những show có hiệu ứng vô cùng tốt khiến bọn mình rất bất ngờ. Năm ấy mình đảm nhiệm công việc truyền thông cho show trên Facebook cùng với bạn Quốc Hoàng bên Vietnam Indie Club. Cả mình và Hoàng đều rất bất ngờ vì không biết bằng một cách nào mà các số liệu về độ tương tác của show trên Facebook rất là lớn. Mình nhớ là số lượt tiếp cận các bài đăng của show phải đến hơn một trăm nghìn lượt. 

Mình nghĩ là ở thời điểm này, Những Đứa Trẻ có thể sẽ không còn thu được nhiều lượt tương tác như thế nữa. Nói thật là bây giờ mà bọn mình host một show thì chưa chắc lượt tương tác trên các nền tảng mạng xã hội sẽ có thể “khủng” được như hồi ấy. Lần ấy bọn mình cũng đã chuẩn bị rất nhiều thứ cho show. Từ trang trí ở HRC cho đến việc chuẩn bị setlist và bọn mình cũng có mời một vị khách mời rất hợp với ban nhạc. “Mùa hè đến đây” là một trong những kỉ niệm rất là vui của Những Đứa Trẻ.

Show thứ 2 mà Lộc kể là Summer Tour. Show này là show đánh dấu sự trở lại của Những Đứa Trẻ sau thời gian dài Covid. Show được tổ chức ở cả Hà Nội và Sài Gòn vào cuối năm 2022. 

Lại là câu chuyện về khoảng thời gian 2 năm Covid khi mà mình không được đi biểu diễn và không được tương tác với khán giả. Mình đã chuẩn bị cho Summer Tour trong sự mông lung vì không biết scene nhạc ở thời điểm đó đang như thế nào, hay là sau dịch Covid thì mọi thứ đã có những thay đổi ra làm sao. 

Hồi ấy mình cũng rất lo lắng ở chỗ mình không biết liệu sẽ có nhiều người đi xem show không. Chính bản thân mình cũng tự hỏi mình sẽ biểu diễn như thế nào vì mình đã không được biểu diễn trong một khoảng thời gian rất dài. Nhưng cuối cùng thì show diễn ra rất là vui, có rất đông người đi xem và nguồn năng lượng mọi người đem tới cho ban nhạc cực kỳ tốt. 

Quý: Còn show mà mình muốn kể là show đầu tiên, cơ hội đầu tiên được chơi nhạc ở HRC của Những Đứa Trẻ vào đầu năm 2016. Hồi đó HRC luôn là một mục tiêu mà chúng mình hướng đến. 

Sơn: Mình nghĩ là với tất cả những ban nhạc trẻ ở Hà Nội, khi mới chơi nhạc thì HRC luôn là một trong những mục tiêu mà các bạn hướng đến. Và các bạn luôn mong muốn một ngày nào đấy mình sẽ được biểu diễn trên sân khấu HRC. Mình nghĩ tất cả các ban nhạc ở Hà Nội đều nghĩ như vậy. Ngày xưa có bọn mình và những ban nhạc chơi cùng với bọn mình đều đã nghĩ thế rồi.  

Lộc: Và mình muốn nói đến show diễn vừa qua nữa – show sinh nhật HRC14. Khi bọn mình biểu diễn trong show HRC14 vừa rồi thì đã có rất nhiều những người bạn đến để xem và cổ vũ. Có cả những người bạn mới và có cả những người bạn cũ. Trong đó có rất nhiều những người đã đồng hành cùng bọn mình từ lâu. Ngày hôm đấy mình bị cảm lạnh một chút nên có nhiều chỗ hát không tới, nhưng về cơ bản thì nguồn năng lượng trong show hôm đấy, cách mà cả ban nhạc biểu diễn và sự hưởng ứng của khán giả, đã giúp bọn mình cảm thấy rất vui. Có thể nói đó là một trong những show mà bọn mình cảm thấy phấn chấn nhất từ trước đến giờ.

HRC: Em cũng rất thích phần trình diễn hôm trước của ban nhạc nên anh không cần lo là mình đã diễn không tới đâu ạ.

Sơn: Thực ra mình nghĩ đây là sự khác nhau giữa góc nhìn của người nghe nhạc và người biểu diễn trực tiếp. Bởi vì khi bọn mình là người biểu diễn trực tiếp trên sân khấu thì điều mà bọn mình thường nói với nhau sau show là những việc mà bọn mình làm chưa tốt hoặc chưa làm được, thay vì là những việc bọn mình đã làm được rồi. Bọn mình đã chơi với nhau một khoảng thời gian đủ dài để hiểu được những việc mà từ trước đến nay bọn mình có khả năng làm được thì nó vẫn luôn là như thế, nên bọn mình thường suy nghĩ về những việc mình chưa làm được nhiều hơn. Để lần sau mình biểu diễn cẩn thận hơn và tránh mắc lỗi ấy mà. 

Còn về góc nhìn của người nghe nhạc thì là người ta sẽ “enjoy cái moment” nhiều hơn so với người biểu diễn. Và một moment thì thường trôi qua rất nhanh. Trong một set diễn lại có rất nhiều moment nên đôi khi mọi người có thể sẽ không để ý những moment mà bọn mình đánh sai chẳng hạn, nhưng mà bọn mình sẽ để ý đến những chuyện đấy. 

Lộc: Khoảng hai năm đổ lại đây mình hay xem lại video của Ivan da Vodka. Vì bạn ấy thường quay hết phần trình diễn của bọn mình, bạn ấy quay bằng điện thoại nên tất nhiên là âm thanh thu được sẽ có nhiều chỗ không chính xác. Tức là sẽ có chỗ một số âm thanh không rõ bằng những âm thanh còn lại. Nhưng khi mình nghe thì mình vẫn phân biệt được điều đó và vẫn biết mình cần phải cải thiện chỗ nào. Cứ mỗi lần xem xong video của Ivan là mình biết lần sau khi mình chơi lại những bài này thì mình phải xử lý nó tốt hơn ra sao.

HRC: Vừa nãy anh Sơn có nhắc đến sự khác nhau giữa góc nhìn của người làm nhạc và góc nhìn của khán giả. Vậy thì đã bao giờ ban nhạc phải đối diện với những phản hồi không đúng theo góc nhìn của mình chưa? Và có bao giờ mọi người lo sợ định hướng âm nhạc của mình sẽ không còn mang tính độc lập nữa không?

Sơn: Mình nghĩ sẽ rất bình thường nếu như mình nhận được những ý kiến của khán giả mà khác so với kỳ vọng và mong muốn của mình, đây là chuyện hết sức bình thường. Mình nghĩ đó cũng là một dạng kỹ năng mà người chơi nhạc cần phải trau dồi. Nghĩa là mình cần phải học cách chấp nhận những ý kiến khác nhau từ khán giả, chấp nhận rằng những ý kiến trái chiều là chuyện rất bình thường trong công việc mình đang làm. 

Bọn mình – Những Đứa Trẻ cũng đã nhận được rất nhiều những ý kiến không như mong muốn. Mình nghĩ là ai cũng thế thôi, kể cả từ ngày bắt đầu chơi nhạc cho đến tận bây giờ. Bọn mình luôn cố gắng nói chuyện và trao đổi với nhau về những vấn đề đó để xem liệu ý kiến nào có thể đem lại cho bọn mình những bài học, những kinh nghiệm giúp cho mình giỏi hơn không. 

Kể cả về album mới nhất của bọn mình. Có những người anh em, người bạn của bọn mình đã được nghe album này trước khi nó chính thức được phát hành. Từ họ, chúng mình cũng đã nhận được những ý kiến rất khác so với suy nghĩ của bọn mình khi nghĩ về những bài hát đó. Những ý kiến đó đã đem đến cho bọn mình những góc nhìn rất khác, mà bọn mình thường không để tâm đến. 

Nói chung là mình nghĩ có một điều mà bọn mình đang làm rất tốt đó là việc chúng mình đón nhận những luồng thông tin không như mong muốn cùng với nhau, bọn mình thẳng thắn chia sẻ với nhau về những vấn đề ấy, và bọn mình cố gắng tìm ra những lời nhận xét có thể giúp ích được thay vì phản hồi nó một cách không hài hòa cho lắm. 

Lộc: Nói trên tư cách là một người làm nhạc về những người nghệ sĩ sáng tác nhạc thì mình nghĩ là khi một nghệ sĩ nào đó nhận được một lời nhận xét tiêu cực và rồi ngay lập tức họ lại chiều theo ý kiến đó. Thì hệ quả dẫn đến sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của những sản phẩm họ thực hiện tiếp theo. Việc sáng tác mà bị ảnh hưởng quá nhiều từ bên ngoài, không có nhiều sự chọn lọc nhận xét thì bản thân người sáng tác sẽ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần, người nghệ sĩ ấy có thể sẽ cảm thấy rất là bối rối vì cuối cùng thì họ cũng đã làm theo ý kiến của người khác rồi nhưng họ lại không cảm thấy hài lòng chút nào.

HRC: Đối với Những Đứa Trẻ thì tinh thần độc lập là như thế nào? Vì tên series này là “Indie-credible sound” của HRC hợp tác cùng Ash Asia Vietnam, đối với mọi người chữ “Indie-credible” có nghĩa như thế nào?

Lộc: Mình thấy việc chơi nhạc độc lập là một cái điều gần như là bất cứ ai khi mà họ bắt đầu chơi nhạc cũng đã trải qua, cho dù sau đấy họ quyết định có nhờ đến sự giúp đỡ của một ai khác hay không, từ gia đình bạn bè cho đến những người mình gặp trên con đường làm nhạc. Vậy nên mình thấy cái sự “credible” trong cái chữ “Indie-credible” này là việc Indie scene là một cộng đồng vẫn đang phát triển mạnh mẽ, và mọi người vẫn đang có thể chơi những gì mà mọi người cảm thấy thích. Tức là mọi người không bị ràng buộc về mặt bây giờ tôi phải mặc ra sao, hay những khía cạnh khác trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình. Mình được tự do sáng tạo, và với mình đấy là một điều rất “Incredible”.

Sơn: Mình nghĩ cái tuyệt vời của việc chơi nhạc độc lập đấy là mình được tự do làm những điều mà mình thích, không bị gò bó bởi một tổ chức nào hay cá nhân nào đó dẫn dắt mình. Thực ra việc có ai đó dẫn dắt là một điều tốt nhưng đôi khi họ không phù hợp với định hướng hay cá tính, khả năng của mình. Mình nghĩ cái sự “Incredible” có thể gói gọn trong 1 từ là “Tự do sáng tạo”. Và cái gì cũng có 2 mặt của nó thôi. Tự do thì nó luôn đem đến những điều phi thường, nhưng nó cũng có thể mang đến sự cản trở cho 1 ai đấy khi mà họ quá tự do và họ không có kế hoạch, định hướng hay khuôn khổ nào đấy nhất định để giúp họ phát triển khả năng của họ. 

Lộc: Về cơ bản như mình quan sát từ trước đến giờ thì hầu hết mọi người ở Việt Nam đều Indie. Câu chuyện về những hãng đĩa hay công ty thì vẫn luôn xuất hiện từ trước đến giờ và đều song hành cùng nhau. Nhưng mà thật sự có một cái hay ở Việt Nam là khoảng cách giữa những nghệ sĩ trong các công ty và những nghệ sĩ hoạt động độc lập nó cũng không quá xa nhau. Mình nghĩ là nó xa nhưng thật sự thì nó không xa đến mức như thế. Scene nhạc indie bây giờ là một cách gọi khác của nghệ sĩ được chơi cái mình muốn. Khi mà chưa có những cái truyền thông thì scene nhạc việt đã có những ban nhạc độc lập hoạt động trước đây rồi. Ví dụ như Bức Tường, Gạt tàn đầy, Microwave, họ đều là những ban nhạc hoạt động độc lập từ trước tới nay, trước khi mình có scene indie. Nói chung là mình thấy âm nhạc bây giờ sôi động hơn ngày xưa rất là nhiều, và đấy là một điều đáng mừng.

HRC: Như anh Lộc đã nói thì cái thời trước đây chưa có truyền thông rầm rộ thì scene nhạc indie rất là bé, khi mà chỉ có ít những venue biểu diễn như HRC. Không biết là sau khoảng thời gian tương đối dài đồng hành cùng HRC, thì ấn tượng của mọi người với HRC có thay đổi nhiều không ạ?

Lộc: Mình nghĩ là không. Về cơ bản mình thấy HRC trở nên rất nổi tiếng trong quãng thời gian bọn mình mới hình thành và phát triển. Khi mà HRC đi lên thì tự khắc các ban nhạc như bọn mình cũng đi theo cùng. Có rất nhiều bạn trẻ ở các thành phố khác khi hỏi bọn mình sắp diễn ở đâu, thì trong khoảng thời gian 7 năm trở lại đây bọn mình đều trả lời là chắc chắn sẽ có show ở HRC. Và theo như mình thấy là từ đầu 2010 cho đến bây giờ, cái thương hiệu của những tên tuổi có sức ảnh hưởng trong cộng đồng indie đều gắn liền với HRC. Đấy là cái mà mình nhìn thấy được ở Hà Nội. 

Sơn: Một mặt nào đấy, khi mà một ban nhạc muốn làm một cái show gì đó, sự kiện gì đó lớn, nói chung là một sự kiện chuẩn chỉ để có thể tiếp cận đến khán giả nhiều hơn thì HRC sẽ luôn luôn là cái tên đầu tiên bật ra trong đầu mọi người, dù là nghệ sĩ hay khán giả. 

Mình thì thấy cái ấn tượng của mình về HRC vẫn không thay đổi đó là HRC đồng hành cùng scene nhạc indie từ cái ngày mà nó chưa được gọi bằng cái tên scene nhạc indie, và thậm chí mọi người còn cãi nhau về chuyện indie là cái gì nữa cơ. Từ những ngày mà bọn mình mới chơi nhạc cho đến tận bây giờ, HRC luôn đồng hành cùng với scene nhạc bao gồm cả người chơi nhạc và người nghe nhạc. Và đồng thời HRC đã làm một điều rất quan trọng với scene nhạc indie Việt Nam đó là gây dựng cả một cộng đồng nghe nhạc và cộng đồng chơi nhạc. Nếu không có HRC thì bọn mình sẽ không có cơ hội được chơi nhạc và biểu diễn trước những khán giả, cả những người biết mình và những người chưa biết mình. Bởi vì với những ban nhạc trẻ, việc mà mọi người có thể đứng ra tự làm show nó rất là khó.

Lộc: Đúng là cần có 1 nơi để khán giả có thể đến nghe những thể loại âm nhạc mới hơn.

Sơn: Show sinh nhật cuối năm của HRC là một cơ hội để bản thân những ban nhạc mới, những ban nhạc cũ, những người nghe nhạc được giao lưu cùng với nhau. Như bọn mình đã chơi nhạc ở HRC khá lâu rồi, thì thời gian gần đây bọn mình thấy những cái tên rất mới xuất hiện tại sinh nhật HRC và đó chính là cơ hội để các bạn tiếp cận đến tệp khán giả mà HRC đã gây dựng. Ví dụ như khi một bạn khán giả đi nghe ban nhạc yêu thích của bạn tại HRC thì ngoài ban nhạc ấy, bạn còn có thể được nghe những nghệ sĩ mới, và có thể đấy là nghệ sĩ mà bạn ấy sẽ thích trong tương lai. Mình thấy đấy là một điều rất quan trọng cho dòng chảy phát triển của âm nhạc, và là một phần tối quan trọng trong việc phát triển và gây dựng cộng đồng người nghe nhạc.

HRC: Vậy thì với tư cách là một ban nhạc indie lâu năm, các anh có lời khuyên hay gợi ý gì dành cho những ban nhạc trẻ không?

Sơn: Dưới góc độ của mình là một người, tạm gọi là, quản lý của ban nhạc và nắm bắt những công việc ngoài ban nhạc như đối ngoại, tổ chức show hay lên kế hoạch cho các sản phẩm phát hành, thì mình sẽ khuyên các bạn mới chơi nhạc rằng hãy luôn có kế hoạch cho những việc mình làm. Từ việc lên ý tưởng cho album, viết lời, phối bài, kế hoạch thu âm như thế nào để tiết kiệm tiền bạc và thời gian nhất có thể. 

Ngoài ra một điều quan trọng nữa là trong 1 ban nhạc, khi bạn chơi nhạc với rất nhiều người nữa, với những cá tính khác nhau, suy nghĩ khác nhau thì hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện, trao đổi với nhau để tìm ra cách làm việc hiệu quả nhất. Một ban nhạc cần sự đoàn kết rất lớn của tất cả mọi người để có thể đi xa được. Và cả những vấn đề dù lớn hay nhỏ, nếu mọi người không dành thời gian nhìn sâu vào những cái vết nứt để có thể hàn gắn nó lại thì cái chuyện ban nhạc chia tay thành viên hay dừng hoạt động nó rất là bình thường. 

Lộc: Mình nghĩ là về việc hoạt động nghệ thuật thì mỗi người sẽ có tiêu chuẩn khác nhau, nhưng đa phần mình thấy là các bạn nghệ sĩ độc lập ở Hà Nội đều muốn hướng đến một tiêu chuẩn là thần tượng của mình. Vậy nên khi mà các bạn muốn làm điều đó thì các bạn cũng nên nhìn xem thần tượng của mình đã phải đánh đổi, đã làm những gì để họ đạt được điều ấy. Nhưng vì không ai giống nhau cả nên mình không nên so sánh bản thân quá nhiều. Hãy cố gắng tìm cách dung hòa và dồn cái tôi của mình cho nghệ thuật, và cố gắng làm sao để mình và những người đồng hành của mình cùng có hướng đi chung. 

Còn về mặt sáng tác và thu âm thì đa phần các nghệ sĩ indie cũng ở Hà Nội mà mình biết, hoặc là các bạn đang đi học, hoặc làm những nghề khác để kiếm sống, thì chúng ta nên tìm cách để cân bằng được thời gian của tất cả mọi người. Phải làm sao để mọi người cứ có bất đồng gì thì mình giải quyết càng sớm càng tốt. Cố gắng vui vẻ, thoải mái, hoà nhã bởi vì âm nhạc nên là một niềm vui. Nếu mà mọi người tìm ra niềm vui khi chơi nhạc cùng nhau thì đấy đã là thành công 50% rồi. 

Quý: Những thứ mình muốn nói thì Lộc và Sơn đã nói rồi. Mọi người hãy cố gắng trau dồi nhiều hơn, nó không chỉ nằm ở mặt âm nhạc, kỹ năng mà còn là trau dồi về vốn sống, trải nghiệm và kỹ năng xử lý thông tin. Khi mình mở rộng được ở những mặt đấy thì âm nhạc của mình sẽ hướng đến những điều tốt đẹp hơn, những điều gắn bó với cuộc sống của mình hơn và chạm tới khán giả nhiều hơn, dễ hơn. 

Lộc: Thêm một lời khuyên nữa là hãy đối xử tốt với backstage và trợ lý, và tất cả những người mà bạn đồng hành trong một show bởi vì bạn sẽ còn gặp họ nhiều đấy (cười). Vì không có những người này thì bạn sẽ không bao giờ có một show diễn hay được. 

Sơn: Hãy cố gắng đạt được nhiều mục tiêu nhất có thể bởi sẽ đến một ngày thời gian bạn dành cho âm nhạc sẽ rất là eo hẹp, và đấy là trải nghiệm hoàn toàn thực tế của bọn mình. Khi mình nhìn lại thì mình thấy việc tự làm mọi thứ trong khả năng sẽ giúp mọi thứ đúng ý mình nhất và giúp mình tiết kiệm thời gian cho các sản phẩm sau này, và đó cũng chính là những di sản mang nhiều màu sắc của ban nhạc nhất nữa.

Cảm ơn các anh vì những chia sẻ thú vị.