Trang Chuối: “Mình luôn coi mỗi lần diễn tại HRC là một lần trở về nhà.”

Vào ngày mà chúng tôi đang tất bật chuẩn bị hoàn thiện không gian triển lãm Một tá từ ta, chúng tôi nhận được một cuộc gọi và một món đồ mà Trang Chuối gửi qua. Đó là một chiếc áo phông của Gỗ Lim đồng thời cũng là mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh “12 năm cộng trừ với nhạc” mà chúng tôi đang vẽ nên. Gắn chiếc áo lên tường, chúng tôi xúc động nhìn lại một hành trình thật dài mà mình đã đi qua. Trang cũng như Gỗ Lim, là một trong những nghệ sĩ đầu tiên diễn tại sân khấu HRC. Mọi người đến với chúng tôi từ những ngày còn hoang sơ. 12 năm đã trôi qua, Trang có lẽ là một trong những “người bạn già” đặc biệt nhất của Hanoi Rock City. 

Đứng trên sân khấu của HRC với nhiều vai trò khác nhau, bắt đầu là thành viên của Gỗ Lim, rồi của WINDRUNNDER và giờ là Limebócx, với mỗi band Trang Chuối đều để lại nhiều dấu ấn. Trong cuộc trò chuyện với Trang, chúng tôi  cảm nhận được sự xúc động và tình cảm của bạn dành cho cả 3 ban nhạc mình gắn bó cũng như các khán giả đã theo cô trong suốt những hành trình ấy. Là người chứng kiến HRC từ ngày mới thành hình, Trang luôn coi mỗi lần diễn tại HRC là một lần trở về nhà. Và đối với chúng tôi, mỗi khi thấy Trang đứng trên sân khấu dù với tư cách gì, cũng sẽ như nhìn thấy “người nhà mình”. Trong chuỗi bài tri ân những người bạn “đồng niên” Trang Chuối cũng là ly Old Pal cuối cùng mà chúng tôi muốn giới thiệu với mọi người – một nghệ sĩ tài năng và một người bạn thân thiết.

Lần đầu bạn đến HRC là khi nào? Ấn tượng của bạn khi ấy về HRC như thế nào? 

Đó là vào 2010, năm đầu tiên HRC đi vào hoạt động. Dạo đó  mình đã hoạt động âm nhạc rồi, cũng có sáng tác rồi nhưng khó để mà gọi là sản phẩm như bây giờ. Mình vẫn nhớ có một hôm anh Phú (Co-founder của Hanoi Rock City ) chơi nhạc cùng chúng mình rồi rủ qua xem chỗ anh mới mở. Trước khi đến,  mình hỏi anh là anh mở cái gì thế, quán cafe hay quán rượu? Thì anh nói không, anh mở “cái venue” .

Mình khá là sốc đấy! Vì tại Hà Nội khi ấy chỉ có mô hình nửa cà phê nửa bar và có nhạc công đến chơi thôi. Tất nhiên mọi người cũng rất cố gắng để tổ chức các hoạt động âm nhạc, nhưng thị hiếu âm nhạc thời đó chưa phát triển như bây giờ. Nên hôm đó được anh Phú dẫn qua HRC mình ngạc nhiên lắm! Rất thích thú nhưng cũng không khỏi nghĩ  mô hình này liệu có trụ được lâu không. Nhưng mọi người thấy đó, HRC cũng 12 tuổi rồi!  

Vậy còn lần biểu diễn đầu tiên, tại HRC đã diễn ra như thế nào?

Lần đầu đến HRC mình kể trên là hôm anh Phú bảo lên xem sân khấu trước khi diễn, cũng chỉ cách đó vài ba hôm thôi. Hôm mình diễn thì khán giả chủ yếu là khán giả nước ngoài. Không khí thì mình thấy “kỳ” lắm, mà cái kỳ này là do chúng mình. Đánh sai tè le ra luôn. (cười)

Mình nhìn xuống phía khán giả cũng thấy có những gương mặt ngơ ngác khó hiểu phết. Thế nhưng sau rồi mọi người vẫn thông cảm và cổ vũ band rất nhiệt tình.

Tiếp xúc với khán giả HRC từ những ngày đầu tiên, bạn thấy họ có gì đặc biệt so với những nơi khác?

Khán giả HRC thì mỗi thời mỗi khác. Trước thì các bạn expat nhiều, giờ thì nhiều khán giả Việt hơn nhưng nhìn chung, các bạn đều tạo cho mình cảm giác như đánh ở “nhà”. Chính xác hơn, là cảm giác được trở về nhà, trở về một nơi mà dù thế nào mình vẫn được chào đón, được ủng hộ. Khẳng định là sau bao năm khán giả ở HRC vẫn luôn rất yêu thương và hỗ trợ nghệ sĩ nhiều. Mình nghĩ là không chỉ riêng gì mình, ai đánh ở HRC cũng có cảm giác như được trở về nhà, về một chốn an toàn.

Bạn đã từng đứng chung sân khấu HRC với 3 ban nhạc, Gỗ Lim, rồi WINDRUNNDER và hiện là Limebócx. Cảm xúc của bạn khi diễn với mỗi ban nhạc ấy có gì khác biệt?

Có chứ! Điểm chung là đánh cho band nào cũng nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả. Khác một cái là mỗi band sẽ có phong cách khác nhau nên tập khán giả cũng khác. Diễn với Gỗ Lim thì khán giả rất là điên. Diên thật sự đó! Không bao giờ đứng yên. Khi mình đánh WINDRUNNDER khán giả cũng điên mà điên hơi khác một chút vì nhạc metal, nhạc nặng mà. Nếu mà nhìn xuống từ sân khấu của WINDRUNNDER thì sẽ rất ít khi nhìn được rõ mặt ai. Vì mọi người sẽ thường headbang, hoặc nếu không headbang thì sẽ chạy vòng vòng đẩy nhau, moshpit rồi chèo thuyền. Nói chung là nhìn thấy nhiều tóc và mồ hôi hơn là thấy mặt. Nhưng mà bọn mình thích lắm.

Khi diễn với Limebócx thì khán giả sẽ nhẹ nhàng hơn một chút. Trước mình nghĩ Limebócx có thể hướng tới những khán giả hơi đứng tuổi hơn một tí nhưng mà đến khi mình diễn nhìn xuống dưới thấy rất nhiều các bạn trẻ và các bạn đón nhận rất là tốt. Mọi người có thể không quẩy như với Gỗ Lim hay Windrunner nhưng thường sẽ mang nhiều tâm tư và có khi là hát theo luôn. Các show với Limebócx chắc là show mà mình nhìn rõ được khán giả nhất. Mọi người ở dưới đung đưa theo nhạc, rồi nhìn mình, có những khi mình cảm nhận được rất rõ tâm sự các bạn đang mang. Với mình đấy là một điều rất khó tả và rất  đặc biệt. Mình vô cùng hân hạnh được đứng đây để chia sẻ cảm xúc này với mọi người.

 Bạn có thể chia sẻ một kỉ niệm đặc biệt với HRC không? 

Kể nhiều hơn 1 được không? Chứ chọn ra một kỉ niệm khó quá (cười)

Một trong những kỉ niệm mình nhớ nhất là với Gỗ Lim. Đó là năm 2011, Gỗ Lim có show diễn debut tại HRC. Mà Gỗ Lim là một ban nhạc rất bẽn lẽn. Nói là show debut thì nghe bị nghiêm trọng quá, thế là mọi người đã thay đổi mục đích chính một chút. Chúng mình nói với nhau đây không phải show nhạc, mà là show tổ chức sinh nhật cho em Chuối thôi nha! Hôm đó là 27/9 mình vẫn nhớ. Không phải chính xác ngày sinh nhật mình đâu, nhưng mà sinh nhật mình cũng là khoảng đó. Thành ra, mình đã có một sinh nhật vô cùng đáng nhớ. Tính đến bây giờ, đó vẫn là sinh nhật đặc biệt nhất. Có rất nhiều bạn bè thân thiết rồi khán giả đến góp vui. Đối với cả band thì đó cũng là khoảnh khắc rất đặc biệt, vì chúng mình thật sự cảm nhận được, nhạc của mình đang ở đâu và mọi người nghĩ gì về nhạc của mình. 

Mình cũng muốn chia sẻ thêm một kỉ niệm khác. Kỷ niệm này thì không chỉ gắn với việc biểu diễn đâu, mà còn thiên về việc tổ chức show ở HRC. Đợt đó, mình cùng WINDRUNNDER rồi các bạn bè ở Whammy Bar cùng tổ chức show cho một band nhạc khá tầm cỡ thế giới: As I Lay Dying.  Lần đầu tiên mình và mọi người thực hiện một show cho nghệ sĩ lớn như thế tại HRC. Mọi người cứ thử nghĩ xem, cách đó 10 năm, chúng mình chỉ có đứng trên sân khấu và cùng hát cover lại nhạc của As I Lay Dying thế mà bây giờ, cũng trên chính sân khấu đó, là người thật nhạc thật. Và tất cả mọi người như là hát cùng thần tượng vậy. Đã có nhiều người khóc vì xúc động. Dù rằng ai cũng thấm mệt nhưng cũng thấy rất xứng đáng.

Đó là hai kỷ niệm lớn nhất, mình vẫn còn nhiều kỷ niệm với HRC lắm!

Theo bạn đâu là sự thay đổi lớn nhất của HRC sau 12 năm?

Mình nghĩ đó là sự phát triển của cộng đồng khán giả Việt. Trước đến giờ, HRC vẫn là một nơi kết nối cộng đồng chơi nhạc nước ngoài và Việt Nam rất tốt nhưng ngày đầu cộng đồng expat đông hơn. Ngày xưa muốn có một sân khấu như HRC thật sự khó lắm. Nhưng giờ thì mỗi khi ai muốn nghe nhạc thì sẽ đến HRC. Có khi mọi người cũng chẳng cần biết là nay có band nào diễn, nhưng vẫn cứ đến nghe thử xem sao. Có thể thấy là sau 12 năm thì số lượng khán giả Việt tại HRC đã tăng lên đáng kể – một cộng đồng người nghe nhạc trẻ, năng động và rất cởi mở.

Đó là sự thay đổi trong số lượng. Vậy còn cách thưởng thức của khán giả có thay đổi không? 

Có thay đổi đấy! Mình thấy ngày xưa khán giả Việt ngại ngùng hơn bây giờ rất là nhiều, tất nhiên cũng tuỳ khán giả nhưng mà đa số thì là thế. Ví dụ như là khi mình bảo “Mọi người ơi đứng lên sân khấu luôn đi” thì có đến 60 – 70% khán giả không làm thế. Hoặc nhiều khi cảm giác không nhiều người thực sự nhún nhảy theo nhạc, tự tin thể hiện cái cảm xúc của mình ra. Bây giờ thì khác nhiều rồi. Mình thấy nghệ sĩ tự do nhảy xuống phía dưới giao lưu luôn này, khán giả cũng đứng sát về phía sân khấu hơn, cùng nhún nhảy cùng khóc cùng cười với nghệ sĩ. Đây cũng là điều khiến mình vô cùng sung sướng, và tiếp thêm cho mình nhiều năng lượng. 

Trong hành trình lớn lên cùng với âm nhạc, liệu HRC có mang lại cho bạn điều gì không?

Mang lại quá nhiều luôn! Bản thân mình đã đồng hành cùng HRC trong nhiều năm rồi, nên HRC có ý nghĩa trong nhiều mặt lắm. Ví dụ như là khi mình đang không biết âm nhạc của mình có ra thể thống gì không thì mình sẽ thường đến những buổi như Open Mic, gặp gỡ mọi người, lên sân khấu giao lưu và thử nghiệm những sản phẩm âm nhạc mới. Cũng có thể coi những buổi này như là một dạng tập luyện dựa trên chính đánh giá, cảm nhận của khán giả.  

Hoặc những khi tổ chức show ở HRC, mình cũng thấy yên tâm vì luôn được chú ĐA tạo điều kiện cho rất nhiều. Nói thật là mình cảm thấy đến HRC lúc nào mình cũng được cho một cái gì đó. Nếu không phải là những khán giả luôn cởi mở ủng hộ mình, thì cũng là sự gần gũi, tình cảm từ chính những người làm ở HRC. Mọi thứ ở HRC đều tạo cho mình cảm giác rất thân thương. Đến HRC là cảm giác trở về nhà, còn những người ở HRC là người thân. 

Chứng kiến những ban nhạc hoạt động cùng thời và những ban nhạc trẻ gần đây, bạn thấy đâu là điểm khác biệt giữa các thế hệ?

Khác biệt lớn nhất có lẽ là kiểu tóc (cười)

Thật ra thì mình cũng không biết rõ xuất phát điểm của các bạn như thế nào, nên có nhận định gì thì cũng chỉ là đoán mò thôi. Như kiểu ngày xưa chúng mình mỗi lần đi chơi nhạc thường là phải trốn bố mẹ vì bố mẹ không có ủng hộ. Nhiều cụ ngày xưa cho việc chơi nhạc là “xướng ca vô loài”, nếu các con thích thì tự đi mà học, không cấm đoán là may mắn lắm rồi. Nhiều khi được các cụ mua cho một cái đàn dở dở cũng là tốt lắm rồi ấy. Bởi vậy mà thời của chúng mình so với các bạn trẻ hiện nay về mặt trình độ thường là không bằng. Ngày xưa mọi người cũng chưa tự tin với các sáng tác của mình lắm nên chơi cover khá nhiều và cũng chưa có sự chuyên nghiệp trong phong cách biểu diễn như các bạn bây giờ… 

Về số lượng ban nhạc thì chắc chắn là tăng lên rất nhiều. Số lượng tăng nên thể loại cũng tăng và những tiêu chí chọn lọc cũng vì thế mà gắt gao hơn, đòi hỏi các bạn phải chuyên nghiệp hơn. Khi thị trường âm nhạc mở rộng hơn, khán giả cũng sẽ khó tính hơn đó. 

Nhân dịp sinh nhật HRC 12 tuổi, bạn có lời nhắn gửi gì đến HRC? 

Mong HRC trẻ mãi, và tiếp tục là chỗ dựa âm nhạc của Hà Nội. Mong rằng là 10 năm sau mình vẫn được tiếp tục ngồi đây và nói về sinh nhật 22 tuổi của HRC. Và cả sinh nhật 32 tuổi nữa (cười)./.

***

Kết.

Tối ngày 11/12 vừa qua, trong đêm diễn sinh nhật HRC 12 tuổi, chúng tôi rất vui khi gặp lại Trang và Limebócx. Được nhìn thấy những người bạn năm nào vẫn luôn miệt mài với âm nhạc và tỏa sáng trên sân khấu HRC là niềm vui, niềm tự hào của chúng tôi. Trước hơn 300 khán giả, Limebócx đã tiếp tục dành cho HRC những lời chúc, lời yêu thương đặc biệt. 

Cảm ơn Trang về một hành trình chúng ta đã cùng nhau đi qua. Chúc Trang và Limebócx sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trên con đường âm nhạc của mình, và chúng tôi hy vọng rằng, ở đâu đó trên hành trình đó của Trang, vẫn sẽ có bóng dáng HRC. Để chúng ta, như Trang nói, sẽ tiếp tục đón sinh nhật HRC 22 tuổi, 32 tuổi, và còn nhiều tuổi hơn nữa.