MẠC MAI SƯƠNG, NGUYỆT HẠ: SỰ KẾT NỐI TRONG ÂM NHẠC
Nhìn lại một năm 2022 và hành trình 12 năm đã qua, một trong những điều khiến chúng tôi tự hào nhất là đã có thể giới thiệu hàng chục nghệ sĩ mới đến với khán giả. Họ có thể được phát hiện trên sân khấu của Thursday Disclosure, cũng có thể là chính những người khán giả của Cho em hát với. Những buổi tối Open Mic, Cho em hát với được mở ra vào tối thứ 4, thứ 5 hàng tuần với hy vọng tạo ra một không gian âm nhạc tự do thông qua những sân khấu không phán xét. Thật may mắn trong hành trình đó, chúng tôi có những người bạn sẵn sàng dành một, hai buổi tối trong tuần để làm host, cùng chúng tôi kiếm tìm những tài năng mới và mang sân khấu HRC đến gần hơn với cộng động yêu nhạc tại Hà Nội.
Chúng tôi nói chuyện với Mạc Mai Sương và Nguyệt Hạ, hai thế hệ host của Cho em hát với ngay trước thềm sinh nhật HRC 12 tuổi cho bài Cộng 4, phép cộng của sự kết nối. Các thế hệ host của HRC, từ Đét, Vũ Thanh Vân rồi đến Mạc Mai Sương giờ là Nguyệt Hạ, là một dấu cộng mạnh mẽ trong hành trình kết nối âm nhạc của chúng tôi. Họ kết nối nghệ sĩ với sân khấu, kết nối nghệ sĩ với khán giả, và kết nối chính khán giả với HRC. Phép toán 12 năm cộng trừ với âm nhạc của chúng tôi nhờ dấu cộng lớn này mà lúc nào cũng ở thể dương.
Cảm ơn Mạc Mai Sương và Nguyệt Hạ đã dành thời gian trò chuyện với chúng tôi.
Các bạn có nhớ thời điểm lần đầu đến HRC là khi nào? HRC tại thời điểm đấy như thế nào?
Mạc Mai Sương: Lần đầu tiên mình đến HRC là năm 2016. Hồi đó không gian đấy còn chia cho nhiều đơn vị khác nữa chứ không phải của riêng HRC. Bên trên thì cơ sở vật chất cũng chưa tốt như bây giờ.
Nguyệt Hạ: Với mình thì là khoảng đầu năm 2019. Thời gian đầu mình đến HRC chủ yếu là đến gặp gỡ mọi người, xem show của các anh chị chứ có chưa diễn nhiều. Ấn tượng là khán giả của HRC rất “sung”. Mọi người cực kỳ thoải mái và thân thiết với nhau.
Sân khấu đầu tiên của bạn tại HRC đã diễn ra như thế nào?
Mạc Mai Sương: Lần đầu diễn tại HRC, mình diễn cùng Ngọt. Show đó khán giả khá là đông vui đó. Giờ cũng vẫn đông mà nên là nếu nói về đối tượng khán giả thì không thay đổi gì mấy. Có chăng thì là tỉ lệ Tây – Ta có chút chênh lệch do nhiều yếu tố khách quan. Còn so về các mặt khác thì chất lượng âm thanh ngày trước chưa được như bây giờ.
Nguyệt Hạ: Show đầu tiên của mình tại HRC chính là Thursday Disclosure, là show mà HRC lần đầu giới thiệu mình đến với các bạn khán giả. Cảm khác hồi hộp và cũng hào hứng nhiều.
Được biết Mạc vừa là host của Thursday Disclosure và Cho em hát với của HRC. Cơ duyên nào đưa bạn đến với vị trí này?
Mạc Mai Sương: Năm 2018, tình cờ mình và Vân diễn chung một show với Vũ. Mà lúc đó thì Vân đang là host của Thursday Disclosure. Về sau thì Vân chuyển vào Sài Gòn, vị trí host cần một người đảm đương. Vân hỏi mình có muốn nối nghiệp không và mình nhận lời luôn. Cho em hát với thì sau mới có, nên mình làm host của cả hai luôn.
Vậy tức là Mạc là host đầu tiên Cho Em Hát Với?
Mạc Mai Sương: Đúng rồi. Dạo đó ở HRC có Thursday Disclosure để giới thiệu các nghệ sĩ mới, có Open Mic dành cho các bạn expat. Với Thursday thì mình có nói với chú ĐA là số lượng nghệ sĩ mỗi một giai đoạn cũng chỉ có một số lượng nhất định. Nó giới hạn mà, nên là thay vì chỉ tìm kiếm những nghệ sĩ mới thì mình nên làm đan xen những show dành cho khán giả, hướng đến những người không chuyên nhưng có đam mê âm nhạc. Open Mic tối thứ 4 dành cho các bạn nước ngoài thì khá là thoải mái, vì hầu như các bạn nước ngoài đều có trải nghiệm ít nhiều với âm nhạc rồi và mọi người cũng ít khi bị ngại. Có khi mọi người còn tranh nhau lên sân khấu. Khán giả Việt thì e ngại hơn, nhiều khi lên sân khấu cũng sẽ hơi sợ bị đánh giá. Nên là mình mới gợi ý chú làm một hôm Open Mic hướng đến khán giả Việt, và mọi người chốt cái tên là Cho em hát với. Từ cái tên đã có tinh thần là sân khấu dành cho tất cả mọi người và là bởi vì âm nhạc cũng vậy mà. Khán giả của Cho em hát với có thể kiểu coi đó là chỗ an toàn và tự do thể hiện tất cả những gì mọi người muốn và sẽ không có ai đánh giá bất cứ cái gì cả.
Mình cũng chẳng nhớ buổi đầu tiên như thế nào nữa. Sau một thời gian mình cũng cảm thấy có một lượng khách nhất định, tức là có những người có nhu cầu thể hiện và họ chưa tìm được cái chỗ phù hợp nên người ta cứ quay lại quay lại. Mình thấy có khoảng tầm 10 khách quen là ít, và đội nhà mình cũng hay xung phong lên sân khấu khiến cho không khí của Cho em hát với rất thoải mái và gần gũi.
Và sau đó thì có một sự chuyển giao Host từ Mạc sang Hạ?
Nguyệt Hạ: Mình và chị Mạc duyên thế nào lại học cùng trường và học cùng khoa với nhau. Rồi có một hôm chị Mạc nhắn tin cho mình rủ mình lên Cho em hát với chơi một hôm. Chị cũng hỏi ý mình về show, nói là thời gian tới chị đang hơi bận nên Hạ có muốn thay chị làm không. Chú ĐA khi biết cũng động viên mình là “Có gì phải sợ đâu” nên mình cũng mạnh dạn tiếp bước truyền thống này từ chị Mạc. Mình vẫn nhớ hôm mình chính thức trở thành host của Cho em hát với. Hôm đó chị Mạc có nhắn mình là chị bận không qua được, thế mà lại bất ngờ xuất hiện và còn mang đến một cây quyền trượng đến trao trực tiếp cho mình trên sân khấu. Cảm giác đúng như là có một sự truyền lại vậy đó.
Khi nghĩ về ngày đầu tiên được giới thiệu là host cho đến ngày hôm nay thì Hạ thấy mình đã có sự thay đổi gì?
Nguyệt Hạ: Có rất nhiều thứ đã thay đổi trong mình. Thứ nhất là mình đã thấy thoải mái hơn khi ở HRC. Ngày trước dù có diễn ở HRC đôi ba lần thì mình vẫn cảm thấy mình như một người khách, vẫn có một cái khoảng cách nhất định với mọi người. Giờ thì mình đã coi HRC như sân nhà, như một nơi an toàn, một nơi có rất nhiều sự thích thú, cả bất ngờ nữa trong các tối thứ 5.
Rồi dưới góc độ là một nghệ sĩ thì mình thấy mình can đảm hơn nhiều trong việc chia sẻ âm nhạc của mình đến với các bạn khán giả. Ngày mới viết nhạc Hạ ít khi chia sẻ công khai những sản phẩm của mình ra ngoài lắm. Có những bài chỉ dám gửi cho vài bạn bè thân thiết nghe thôi. Khi làm host của Cho em hát với, mình có trách nhiệm là điểm tựa tinh thần, hay động viên với các bạn khán giả là “Không sao đâu” để các bạn tự tin bước lên sân khấu. Tự nhiên mình cũng nghĩ sao mình không như thế với bản thân mình. Cứ chia sẻ nhạc công khai, có người thích có người không thì thì cũng có sao đâu. Mình nghĩ đây là một trong những điều ý nghĩa nhất mình nhận được khi làm host của Cho em hát với.
Còn phần Mạc, bản thân bạn làm host cho cả Thursday Disclosure và Cho Em Hát Với thì kỳ vọng của bạn cho mỗi show có gì khác nhau?
Mạc Mai Sương: Đối với Thursday Disclosure, cái phương thức hoạt động là tìm những gương mặt mới và giới thiệu cho mọi người. Vì mới mà nên họ chưa có một cộng đồng người nghe ổn định hay nhiều người biết đến nên mình luôn kỳ vọng là khán giả sẽ cởi mở hơn. Có thể là họ chưa biết band này là những ai, cũng chưa nghe nhạc của nghệ sĩ này bao giờ, chỉ cần biết là nghệ sĩ HRC giới thiệu qua Thursday Disclosure, là những người mang chất liệu âm nhạc mới. Mình đi nghe với tâm thế cởi mở với một thế hệ mới chứ không chỉ vì đấy là Vũ, là Ngọt hay là ai mà mình đã biết từ trước.
Còn với Cho em hát với, bản thân mình khi làm host thì sẽ phải tự chơi tự đánh đàn, tự chơi nhạc để làm động lực cho khán giả lên sân khấu. Đấy là nỗi sợ mà mình cảm thấy là Thursday Disclosure sẽ tốt cho mình. Tuy nhiên ở Cho em hát với thì có cái hay là mọi người hoàn toàn không có kỳ vọng gì cả, đây là show của khán giả. Chúng ta chỉ là những người yêu nhạc, muốn giao lưu âm nhạc với nhau. Giống như những người bạn vậy đó, mình hát và mình vui với nhau thôi, chứ không có bất kỳ phán xét gì cả. Và tất nhiên là mình sẽ phải đi từng bước nhỏ. Như mình có nói, Open Mic của các bạn Tây thì các bạn có một sự tự tin nhất định, thêm nữa là hầu như ai cũng có những trải nghiệm, học nhạc từ bé. Đa số đều biết chơi một loại nhạc cụ nào đó nên dễ dàng jamming với nhau hơn. Với khán giả Việt thì khác, mình cũng cần kiên nhẫn, cởi mở và cho khán giả thời gian để làm quen và hòa mình vào trong cái không gian âm nhạc đó.
Vừa là host vừa là nghệ sĩ biểu diễn tại HRC, cảm xúc của bạn trong hai vai trò này có gì khác nhau không?
Mạc Mai Sương: Vừa có giống, vừa có khác. Giống ở chỗ đều cảm thấy thoải mái khi ở HRC, còn khác thì chắc là ở cách mình tiếp cận đến khán giả. Ở vai trò làm host thì mình đứng trong vai trò người tạo sự cổ vũ và hứng thú cho người khác. Ví dụ như ở Cho em hát với mình sẽ cầm bảng tên đi loanh quanh, dí từng người một. Nó là một dạng tác động trực tiếp đó, để động viên mọi người lên hát. Còn khi mà mình đứng trên sân khấu với vai trò nghệ sĩ thì mình sẽ không hướng đến một người nào cụ thể cả, mà mình chỉ sử dụng âm nhạc và năng lượng của mình để chạm đến một cái gì đó trong người ta thôi. Và mỗi khán giả có thể là sẽ có những điểm chạm khác nhau.
Nguyệt Hạ: Với mình thì sự khác nhau nằm ở áp lực trên sân khấu. Nói là làm host của Cho em hát với rất vui nhưng thi thoảng cũng áp lực lắm (cười). Có những khách đông nhưng mọi người không lên hát, nên mình cũng hay suy nghĩ. Là mình có làm gì khiến khán giả không thoải mái không? Mình có nên cầm bảng xuống dí từng người lên hát không? Mình có nên làm gì đó khác không? Vì mình là host mà nên tất nhiên một phần nào đó việc tạo ra một bầu không khí cởi mở là trách nhiệm của mình.
Với các bạn thì sân khấu ở HRC có gì khác so với những sân khấu khác? Có điều gì các bạn chỉ làm tại sân khấu HRC không?
Mạc Mai Sương: Có hai sân khấu ở Hà Nội mà mình luôn cảm thấy thoải mái khi diễn đó là HRC và sân khấu của L’espace. Với những sân khấu mình đã quen rồi và hiểu đối tượng khán giả ở đó thì mình sẽ dám mạo hiểm và thử những cái mới. Ví dụ khi nghĩ đến nhạc của mình mọi người thường nghĩ đến folk, indie folk…nói chung là những thể loại âm nhạc nhẹ nhàng. Nhưng khi diễn ở HRC, có khi mình sẽ thử nghiệm các thể loại nặng hơn. Khán giả ở HRC có một sự cởi mở nhất định để cho mình động lực và sự tự tin làm những cái mới.
Nguyệt Hạ: Nếu mà chỉ nói về các sân khấu dạng Open Mic, thì Cho em hát với thật sự rất đặc biệt. Khác với những sân khấu Open Mic ở nhiều nơi khác, thường chỉ có một guitar một piano, hay có nhạc công đánh cố định và khán giả thường được đặt trong một không gian ấm cúng nhẹ nhàng nên khách cũng thường biểu diễn những bài tình cảm như thế thì ở HRC, mọi người hay jamming với nhau. Tức là có những lúc các khán giả ghép thành một band luôn. Như là mình hát bài này, có ai chơi đàn chơi trống được không? Rồi từ ballad đến rock, thể loại nào cũng được đón nhận trong các show Cho em hát với hết.
Như hai bạn đã chia sẻ, Mạc thì đến HRC từ 2016, Hạ là năm 2019. Từ đó đến giờ, các bạn có kỉ niệm gì đặc biệt gắn liền với HRC không?
Mạc Mai Sương: Hmm nói thật mình cũng chưa nghĩ được kỷ niệm gì cụ thể, vì cũng nhiều mà (cười). Nếu mà nói về một cái đang nổi bần bật trong đầu mình lúc này thì chắc là buổi liên hoan nghệ sĩ cuối năm 2018. Hôm đấy mọi người chơi với nhau xong rồi Trung Mon thất tình uống rất say, nằm co ro trên ghế còn mọi người thi nhau đi vào đắp áo cho Trung Mon nằm. Cái hôm đó vui lắm, mình nhớ mãi.
Đấy là nói riêng một kỉ niệm còn để mà nói về chung chung thì mình nghĩ là cái việc làm cho mọi người luôn gắn bó và quay lại với HRC là một phần do không khí và tinh thần mà những người ở HRC mang lại. Mình nghĩ nó đến từ chú ĐA nhiều. Chú thật sự rất là hào phóng với mọi người, luôn dang tay chào đón bất cứ ý tưởng gì, luôn sẵn sàng giúp đỡ để các nghệ sĩ trẻ có thể thực hiện được điều mà họ muốn. Đó là một tinh thần rất HRC mà mình nghĩ ai cũng sẽ yêu quý HRC là vì vậy.
Vậy còn Hạ thì sao? Bạn có thể chia sẻ thêm kỉ niệm của mình với HRC hoặc Cho em hát với không?
Nguyệt Hạ: Mình làm host của Cho em hát với tính đến thời điểm này là hơn nửa năm. Có nhiều show đặc biệt lắm. Đêm diễn mình thích nhất trong tất cả những đêm em làm host là đêm diễn Trung Thu. Hôm đó là lần đầu tiên mình làm một đêm chủ đề theo hình thức là trò chơi âm nhạc. Hôm đó dù không nhiều khách lắm nhưng team HRC lên rất đông, và mọi người chơi rất nhiệt tình. Mình vừa vui vừa ngạc nhiên vì không nghĩ là mọi người sẽ đón nhận trò chơi nhiều như vậy.
Theo các bạn, hai show như Thursday Disclosure và Cho em hát với có vai trò thế nào với chính các bạn nói riêng và thị trường âm nhạc tại Hà Nội nói chung?
Nguyệt Hạ: Vai trò rất lớn, giống như là một cầu nối giữa những người chơi nhạc và người nghe nhạc vậy. Bản thân mình là một người được HRC giới thiệu thông qua Thursday Disclosure nên đối với mình những show này đặc biệt ý nghĩa. Hồi đó mình mới chỉ phát hành nhạc trên soundcloud thôi, mà ít người follow lắm. Rồi bỗng chú ĐA nhắn tin cho mình, nói mình có muốn lên sân khấu HRC diễn live không. Thời điểm đó mình không có tự tin lắm đâu, nhưng được chú ĐA động viên và giải thích về tính chất của Thursday Disclosure nên mình đã lên sân khấu và thể hiện hết những gì mà mình có tại thời điểm đấy. HRC là nơi đã tạo cơ hội cho rất nhiều người. Nghệ sĩ thì có cơ hội được ra mắt, khán giả thì có cơ hội tiếp cận những chất liệu âm nhạc mới.
HRC cũng đã đón sinh nhật tuổi 12. Và bây giờ cũng đã là năm 2023 rồi, các bạn có điều gì muốn nhắn nhủ đến HRC hay là khán giả của HRC không?
Mạc Mai Sương: Mình mong là với những cái mầm mà HRC đã gieo trồng trong vòng 12 năm vừa rồi thì trong tương lai HRC sẽ có nhiều buổi diễn chất lượng hơn nữa. Trước giờ HRC vẫn là cái nôi nuôi dưỡng các tài năng trẻ, bởi thế mình cũng hiểu là các nghệ sĩ diễn tại HRC nhiều khi mang tinh thần “sân nhà” rất thoải mái. Có sự tự nhiên rồi, mình mong về mặt bằng chung các buổi diễn sẽ được nâng cao hơn về tính chuyên nghiệp và HRC sẽ tiếp tục là một điểm sáng giá về âm nhạc, văn hóa cho các bạn trẻ.
Nguyệt Hạ: Mình mong là HRC sẽ có thêm nhiều sinh nhật nữa. Tương lai có thể là có bạn khác thay Nguyệt Hạ vai trò làm host của Cho em hát với, mình vẫn sẽ luôn đến Cho em hát với để gặp gỡ và hát cùng mọi người. Chúc cho HRC và Cho em hát với ngày càng khai quật được thêm nhiều bạn trẻ yêu nhạc nữa. Nói chung là mình chúc HRC những điều tốt đẹp nhất.
Sinh nhật HRC 12 tuổi đã khép lại, năm 2023 đã đến và viết tiếp câu chuyện âm nhạc của chúng tôi. Những show Thursday Disclosure vẫn được lên kế hoạch tổ chức định kỳ một tháng một lần, hoặc những khi có nhân tố mới mà chúng tôi sốt sắng muốn giới thiệu đến khán giả. Còn Cho em hát với vẫn vậy, vẫn mỗi tuần một lần trong không gian gần gũi và ấm cúng đó. Năm nay Mạc Mai Sương đã không còn là host của chúng tôi nữa. Chúng tôi cũng hiểu, giống như các thế hệ nghệ sĩ sẽ nối tiếp nhau phát triển, chúng tôi cũng có một thế hệ host, “truyền nghề” từ nghệ sĩ này đến nghệ sĩ khác. Dù họ không là host của các show tại HRC, nhưng vẫn sẽ luôn là những người bạn thân thiết, những người sẽ ghé thăm chúng tôi mỗi khi rảnh, sẽ chia sẻ với chúng tôi các ý tưởng mỗi khi có.
Cảm ơn Đét, cảm ơn Vũ Thanh Vân, cảm ơn Mạc Mai Sương, cảm ơn Nguyệt Hạ. Trước là vì niềm tin mọi người đặt từ những ngày đầu tiên vào những giá trị mà Thursday Disclosure hay Cho em hát với mang đến, sau là vì đã luôn là những người bạn thân thiết, đồng hành cùng HRC trong hành trình 12+ không quá dài nhưng cũng không hề ngắn này.