Thành Chu: Những điều HRC đang làm rất kỳ diệu
Nhân một ngày cuối tháng 11, ngay trước thềm sinh nhật HRC 12 tuổi chúng tôi có một buổi ôn lại kỷ niệm cùng Thành Chu – kỹ sư âm thanh đồng thời cũng là một người bạn lâu năm của HRC. Thành Chu là ly “Old Pal” tiếp theo mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Sản xuất và Kỹ thuật Âm nhạc tại Học viện SAE (Singapore) và từng đảm nhiệm vai trò Tech Manager của Monsoon Music Festival. Anh có kinh nghiệm làm kỹ sư âm thanh, sản xuất và đồng sản xuất trong nhiều chương trình âm nhạc lớn ở Việt Nam và đặc biệt cho các nghệ sĩ indie. Hiện anh đang là thành viên của Skylines Beyond Our Reach.
Lần đầu diễn tại HRC vào chính năm HRC được mở cửa cùng band nhạc Nu Voltage, Thành Chu đã trở thành người bạn đặc biệt, đi cùng HRC qua 12 năm nhiều biến động và cùng chúng tôi chứng kiến những sự thay đổi không chỉ của nền âm nhạc mà còn của những người bạn hay lui đến HRC. Cảm ơn Thành Chu đã luôn theo dõi và ủng hộ hành trình trưởng thành của HRC và hy vọng rằng, chúng ta sẽ còn nhiều năm phía trước đồng hành cùng nhau!
Lần đầu bạn đến HRC là khi nào? Có điều gì khiến bạn ấn tượng không?
Lần đầu mình diễn tại HRC vào năm 2010, là năm đầu tiên mà HRC chính thức mở cửa đấy. Mình vẫn nhớ đó là khoảng tháng 8,9 gì đó, diễn cùng các anh em trong Nu Voltage. Thật ra thì HRC ngày đó với bây giờ không quá khác nhau đâu. Được cái sân khấu giờ đầy đủ nhạc cụ thiết bị hơn. Ngày đó diễn ở HRC có một điều khiến mình ấn tượng nhất là có bạn nước ngoài làm kỹ sư âm thanh làm việc rất văn minh chuyên nghiệp. Bây giờ câu chuyện làm việc văn minh, chuyên nghiệp là điều đương nhiên vì mọi người được học nhạc nhiều hơn, văn hóa nghe nhạc, làm nhạc cũng được nâng cao hơn trước. Nhưng trong cái thời kỳ hỗn loạn ngày xưa thì đây là một điểm cộng lớn. Nói là hỗn loạn thật ra cũng không phải cái gì to lớn lắm. Thế hệ bọn mình, từ nghệ sĩ đến kỹ sư âm thanh đều chưa có quá nhiều kiến thức. Mọi người tự học hỏi khá nhiều, nhiều khi bản thân mình còn chưa thật sự làm chủ cái lĩnh vực mình làm nên rất khó để nói chuyện với những người khác ngôn ngữ. Nên hồi đó ở HRC có một bạn kỹ sư âm thanh như vậy thì mình thấy rất là dễ chịu khi diễn ở HRC.
Bạn đánh giá thế nào về sự đa dạng của sân khấu HRC?
Ngày xưa trong cái bối cảnh cái thời mà nhu cầu âm nhạc của khán giả chưa lên cao như bây giờ, thì một venue như HRC mở ra, là một điều rất đáng quý với anh em chơi nhạc. Dạo đó đa phần các band diễn tại HRC là sẽ chơi rock, thành ra cái chữ Rock trong Hanoi Rock City nghe cũng hợp thời hơn. Phần nhiều là do yếu tố thời gian đó như vậy, thời rockstorm mà. Giờ âm nhạc tại HRC lại càng đa dạng thể loại hơn, hướng đến nhiều tập khán giả hơn, mọi người cũng nói là có làn sóng indie mới đó. Thật ra trước giờ các anh em vẫn indie mà. Dù là rock hay các nghệ sĩ gạo cội vẫn indie. Indie không chỉ thể loại, mà là chỉ tinh thần, cách mọi người làm nhạc. Có chăng thì tiêu chuẩn indie giờ cũng có khác xưa, và theo thời gian thì mọi thứ cứ lẳng lặng thay đổi. Năm nay cũng là năm hoạt động thứ 12 tại HRC rồi, cũng không thể giống như năm đầu nữa.
Vậy còn các nghệ sĩ trẻ thì sao? Bạn thấy họ cũng có khác nhiều với thế hệ mình?
Giờ nhìn các nghệ sĩ trẻ diễn ở HRC thì mình thấy nhìn chung là đã tốt hơn thế hệ ngày xưa. Các bạn có ngôn ngữ thời đại tốt hơn, có phong cách biểu diễn hơn và đặc biệt là có quy trình làm việc chuyên nghiệp hơn. Nói công bằng thì không phải lúc nào cũng hơn, nhưng nhìn chung là vậy vì số lượng các band tăng đáng kể. Số lượng nghệ sĩ tăng nên khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn, các tiêu chí sàng lọc cũng vì vậy mà cao hơn. Đặc biệt là khi các bạn bắt đầu có những người thầy, những đàn anh đàn chị đi trước, người sẽ nói cho các bạn là Không được làm thế này, hay Thử cách khác đi…Ngày xưa có người làm nhạc, chơi nhạc là mừng rồi.
Đã đi diễn ở nhiều nơi, bạn thấy đâu là điểm khiến khán giả HRC khác so với khán giả của những show khác?
Chính ra có một điểm ở HRC có thay đổi nhẹ thôi, chứ nhìn chung là vẫn vậy đấy là năng lượng của khán giả. Nói ra điều này chắc là một điểm hay, một điểm thú vị hoặc cũng có thể là một điểm không thích lắm của nhiều người, đấy là khán giả xưa ở HRC hay say hơn. Một phần do khán giả HRC trước phần đông là các bạn expat, giờ khán giả Việt nhiều, nên các bạn ít uống ít say hơn. Nhưng nhìn chung là vẫn rất vui và tự do. Mình nhận thấy là khán giả HRC khi đến đây, họ không đặt một cái kỳ vọng gì quá cao đâu. Phần lớn chỉ là muốn vui, muốn gặp gỡ giao lưu, nghệ sĩ mang đến cái gì, thì mình tận hưởng cái đó. Chính bởi vậy mà nghệ sĩ trên sân khấu họ cũng có được sự tự do, thoải mái mất định. Ngày xưa có những show trước đấy là một màn ukulele rất dễ thương nhưng ngay sau đó là band metal sôi động rồi. Và khán giả vẫn rất đón nhận. Họ vui với nghệ sĩ trên một tinh thần rất cởi mở, không phán xét, không định kiến gì cả.
Bạn có nói trước đây HRC có những show kết hợp acoustic với metal và khán giả vẫn rất hưởng ứng. Thật ra bây giờ khi HRC xây dựng nội dung thì team đã để ý hơn nhiều về concept cũng như có những ranh rới rõ ràng hơn. Như những show No phone HRC vẫn thường kết hợp hai thể loại alternative và metal nhưng có thể thấy là có những bạn sẽ chỉ tham gia một phần của show thôi. Bạn nghĩ sao về chuyện này?
Giờ các show ở HRC mình biết là mọi người cũng đã vạch ra những ranh giới rõ ràng hơn, có concept hơn và nó là điều chắc chắn sẽ xảy ra, như một quy luật tự nhiên thôi. Vì làm gì mình cũng cần phải nhìn vào bối cảnh. Bây giờ người nghe nhạc nói chung có nhiều lựa chọn hơn. Và khi đến một nơi nào đó, thường là họ mang theo một kỳ vọng về những gì mình sẽ nhận được. Sẽ có những người chỉ muốn nhận cái mà họ kỳ vọng thôi. Dẫu vậy thì mình vẫn đánh giá khán giả HRC là đa phần là những người rất cởi mở rồi, mình vẫn thấy có nhiều người sẽ sẵn sàng ở lại để nghe những chất liệu âm nhạc mới.
Gắn bó với HRC lâu vậy rồi thì đâu là kỉ niệm mà bạn nhớ nhất với HRC?
Kỉ niệm à? Ôi mình diễn nhiều lắm rồi sao mà nhớ được. Ngồi khu vực của kỹ sư âm thanh cũng ngồi rồi, diễn trên sân khấu cũng diễn rồi, đi bê loa bê đài hộ anh em cũng làm rồi, giờ nói kỉ niệm nào nhớ nhất nếu nói về mặt biểu diễn xem chừng khó. Nhưng nói thật là mình thích cảm giác đạp cửa xông vào không ai chặn lại. Và nhớ cảm giác mùa đông ngồi nhóm lửa nướng BBQ với mọi người. Mà nhớ theo kiểu khát khao luôn đấy, vì mỗi năm chỉ có 1-2 lần thôi. Đợt năm trước lockdown, nên chỉ có mấy anh em nghệ sĩ cuối năm ngồi xuống với nhau, lêu hêu vài chai bia, mấy mẩu chuyện…Nói chung là rất vui.
Chính ra cũng lâu rồi bạn không diễn trên sân khấu HRC. Khi nào thì bạn tính sẽ trở lại?
Mình phải cày đã (cười)
Mình cũng nói với ĐA là Skylines cũng đang chuẩn bị một set mới hoàn toàn vào tháng 3,4 tới. Nhưng thật sự là sau một thời gian gọi là lặn lội trong giới, không phải cái gì mình cũng giữ lại như trước. Giờ mô hình như Skylines chắc chắn là không còn đại chúng nữa rồi, giờ phải nghĩ xem làm sao tạo ra giá trị cho nghệ sĩ và khán giả. Nếu nói là chỉ làm những thứ mình thích, không quan tâm đến những cái khác thì thật sự là không hợp lý trong bối cảnh bây giờ. Bản thân mình thấy một số thứ mình làm cũng không còn phù hợp nữa. Ngoài chuyện “bản thân” “cái tôi” của mình ra thì đó còn là cả một hệ sinh thái, còn Sỏi, còn Trịnh Thành..còn cả các đơn vị quảng bá nữa chứ không chỉ là mình muốn làm gì.
Nhiều khi cũng giống như câu chuyện con gà và quả trứng nhi?
Ừ thì đúng rồi, vì nhiều khi cái chi phối thị trường âm nhạc của mình không phải những cái mình làm ở Hà Nội mà là ở nơi dòng tiền nó chảy là ở Sài Gòn, nơi pop-ballad thống trị cả chục năm nay rồi.
Nếu giờ chọn một band để mang đi quốc tế thì bạn sẽ nghĩ đến band nào?
Cái này mình nói thật là khó nếu mà mình muốn tham gia một cuộc chơi công bằng trên phương diện âm nhạc chứ không đơn thuần là giao lưu văn hóa, không phải kiểu như một cô nữ sinh Việt đi du học thì mang theo tà áo dài. Vì để mà quốc tế tôn trọng mình không chỉ trên phương diện là mình đang đại diện cho Việt Nam, mà còn là vì họ hiểu, họ thích cái kỹ năng, ngôn ngữ âm nhạc của mình thì không dễ chút nào. Giống như là “lost in translation” vậy đó, mình không hiểu được ngôn ngữ của nhau. Nếu mang một thể loại thịnh hành của mình là pop ballad thì hơi cũ, vì thế giới họ đã có quá nhiều rồi. Ở mình mọi người nghe nhạc với lời rất nhiều, khán giả muốn hiểu lời, muốn được cảm động bởi câu chuyện mà các bài hát truyền tải. Mà từ tiếng việt dịch sang tiếng anh đâu phải lúc nào cũng đủ ý tứ. Thế mà nếu nghệ sĩ mình chỉ hát tiếng anh thôi thì lại khó có sự hiện diện của cộng đồng.
Nhưng nếu để nói ra một cái tên thì anh nghĩ là Hạc San có thể đi được vì ngôn ngữ của Hạc San vừa đủ đương đại để tiếp xúc với các bạn nước ngoài, mà vẫn có chất liệu Việt Nam trong đó.
Nhân dịp sinh nhật HRC, bạn có lời gì muốn nhắn gửi HRC và khán giả HRC?
Mình chúc HRC giàu. Mình nói thật đấy, vì mình biết là để duy trì một venue âm nhạc mô hình như HRC là một áp lực về mặt tài chính mà không phải ai cũng dám đảm đương. Bản thân mình hay rất nhiều các anh em nghệ sĩ khác đều luôn rất tôn trọng những gì HRC đã và đang làm với music scene, nhưng tôn trọng là vậy, đó không phải là cái để giúp HRC duy trì. Hay âm nhạc như thế nào, nghệ sĩ ra sao thì cũng là chuyện ngày mai ngày mốt. Mình vẫn phải nhìn vào thực tế cái giúp một venue duy trì được đúng như cái tinh thần của nó là nguồn lực về tài chính. Chắc chắn sẽ có lúc mà bản thân ĐA hay các bạn team HRC phải đắn đo, là giữ HRC như một venue như hiện giờ hay một quán nghe nhạc. Việc duy trì một venue nhạc sẽ khó khăn hơn nhiều nhưng cũng kỳ diệu hơn.
Bản thân các bạn khi làm ở HRC thì các bạn nghĩ về sự kì diệu đó rất ít, như một thoáng qua thôi, hết show này đến show khác. Nhưng khi các bạn đặt điều đó cạnh chuyện đến một nơi có nhạc công đánh cố định, thì các bạn sẽ thấy việc mình làm rất kì diệu. Nó mang đến cho khán giả điều gì đó mới, điều gì đó để kỳ vọng mỗi ngày. Và các bạn sẽ phải làm liên tục liên tục để duy trì, chứ không phải làm mãi một thứ. Mình biết điều đấy cũng sẽ vất vả cho các bạn. Nên rất mong HRC giàu, để có thể duy trì một không gian đặc biệt như này.